Bộ Y tế vừa đề nghị xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều vắc xin. Số ca COVID-19 mắc mới trên cả nước đã tăng 30% trong tuần qua.
Đây sẽ là cơ sở cho việc phân bổ vắc xin trong tháng 11 và 12-2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này.
Tính đến 6-11, Việt Nam đã nhận trên 113 triệu liều vắc xin, đã tiêm trên 88,5 triệu mũi. Hiện đã có khoảng 82% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, 38% tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên vẫn còn 5 tỉnh có độ bao phủ vắc xin dưới 50% là Nam Định, Sơn La, Nghệ An, Cao Bằng và Thanh Hóa.
Số ca cộng đồng và ca COVID-19 đã tăng khoảng 30% trong tuần qua. Cụ thể tuần từ 29-10 đến 4-11 cả nước ghi nhận 40.490 ca mới, tăng 12.632 ca so với tuần trước đó. Trong đó 18.073 ca là ca cộng đồng, tăng trên 6.320 ca so với tuần trước.
Trong 1 tuần qua có sự thay đổi về cấp độ dịch ở phạm vi xã phường, số xã phường đang là vùng xanh, vàng phải nâng lên cam, đỏ là 142. Hiện 67,5% xã phường cả nước đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp), trên 29% xã phường (trên 3.080 xã) cấp độ 2, số xã phường cam, đỏ, tức nguy cơ cao và rất cao chỉ chiếm 3,3%.
Học sinh được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường tiểu học Thị trấn Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN
20-11 bắt đầu đón khách du lịch quốc tế
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có hướng dẫn lộ trình đón khách du lịch quốc tế. Theo đó sẽ có 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ tháng 11-2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại các tỉnh, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Phú Quốc đã có kế hoạch bắt đầu đón khách từ 20-11.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1-2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ.
Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, có thể đến thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 3: Mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Khách du lịch phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh (không yêu cầu chứng nhận tiêm ngừa với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ), có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD.
TP.HCM lên phương án ứng phó địa phương có ca COVID-19 tăng nhẹ
Do ca COVID-19 mới tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ, Sở Y tế TP cho biết đã kích hoạt 40 trạm y tế lưu động với lực lượng các y bác sĩ dự bị do các trung tâm y tế và các bệnh viện đảm trách. Các đội phản ứng nhanh cũng được hình thành để điều tra và kiểm soát dịch.
Hiện huyện Hóc Môn, đặc biệt là hai xã Xuân Thới Thượng và Bà Điểm được xem là "điểm nóng" dịch khi số ca F0 mới tại khu vực này tăng cao. Những ngày qua, Sở Y tế, Cục Quân y, đội phản ứng nhanh của HCDC đã đến huyện Hóc Môn, yêu cầu huyện khẩn trương xử lý ổ dịch cộng đồng, hỗ trợ tiếp nhận các ca F0 nặng...
Theo dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 tối 5-11, TP.HCM có tổng cộng 424.817 ca nhiễm COVID-19. Hiện TP vẫn đang ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) với 13/22 địa phương vùng xanh, còn lại là vùng vàng.
Riêng huyện Hóc Môn hiện đang là vùng vàng, trong đó có 6 xã thuộc vùng vàng, 5 xã thuộc vùng xanh và 1 vùng cam là thị trấn Hóc Môn. Tổng số ca dương tính từ trước đến nay trên địa bàn huyện Hóc Môn là 22.493 ca, trong đó xã Bà Điểm nhiều nhất với 4.940 ca. Tỉ lệ mũi 1 tại huyện này đạt 100%, mũi 2 là 92%.
Người dân thành phố Thường Châu thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngày 3-11 - Ảnh: REUTERS
Thế giới đã gần 250 triệu người mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 249,5 triệu ca COVID-19, trong đó có hơn 5,04 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là hơn 225,9 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 772.394 ca tử vong trong tổng số hơn 47 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 459.880 ca tử vong trong số hơn 34 triệu ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 608.715 ca tử vong trong số gần 22 triệu ca nhiễm.
Mỹ Latin và Caribê hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46 triệu ca COVID-19. Châu Âu hơn 75,6 triệu ca COVID-19, trong đó có hơn 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 219.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.600 người.
Nhật rút ngắn cách ly với doanh nhân, Úc cho đi lại tự do
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 959 ca COVID-19 (948 ca cộng đồng) và 1 người tử vong. Số ca COVID-19 tại Lào đã giảm từ 4 con số xuống 3 (giảm 211 ca so với ngày 4-11) nhưng vẫn ở mức cao. Tổng số ca COVID-19 tại Lào là 45.020 ca, trong đó có 77 ca tử vong.
Malaysia cho biết trong ngày 5-11 nước này ghi nhận thêm 4.922 ca COVID-19 và 64 bệnh nhân không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 2,4 triệu và 29.155. Tính đến ngày 4-11, 97,8% dân số trưởng thành tại Malaysia đã nhận được ít nhất một mũi vắc xin, 95,8% đã hoàn thành tiêm chủng.
Thái Lan vừa thông qua ngân sách trị giá 2,3 tỉ baht (tương đương 69 triệu USD) để hỗ trợ phát triển vắc xin COVID-19 nội địa có tên gọi là ChulaCov19, sử dụng công nghệ mRNA. Sáng 5-11 Thái Lan có thêm 8.148 ca mắc mới cùng 80 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên gần 2 triệu ca, trong đó có 19.542 người không qua khỏi.
Nhật Bản thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm vắc xin đầy đủ khi họ nhập cảnh kể từ ngày 8-11. Điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại Úc, 89,1% người dân NSW ở độ tuổi từ 16 trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 82% người dân bang Victoria từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi. Ngày 5-11, NSW ghi nhận 249 ca COVID-19 mới và 3 ca tử vong, trong khi bang Victoria ghi nhận 1.343 COVID-19 và 10 ca không qua khỏi.
Châu Âu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
Bỉ ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại các mức đã khiến nước này phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10-2020. Mỹ đã khuyến cáo công dân không nên đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ.
Số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong 14 ngày qua ở Bỉ là 6.728 ca, tăng 36% so với tuần trước đó. Trung bình 164 ca COVID-19 phải nhập viện hằng ngày trong 7 ngày qua, tăng 31%, và 343 bệnh nhân phải điều trị tích cực.
Tại Tây Ban Nha, tỉ lệ lây nhiễm ngày 4-11 đã vượt mức 50 ca/100.000 dân. Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại tuy vẫn duy trì yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín.
Số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu tại Ý đã tăng 12,9% trong tuần từ ngày 27-10 đến 2-11. Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần trước là 257 người, tăng nhẹ so với 249 người của tuần trước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý số ca COVID-19 tại châu lục này đã tăng 55% trong 4 tuần qua, bất chấp các chiến dịch tiêm vắc xin.
------------------------------------
Sau sự cố tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ sơ sinh, Bộ Y tế chấn chỉnh mạnh
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.
Đó là chỉ đạo của Bộ Y tế đối với sở y tế các tỉnh, thành phố ngày 5-11, sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trong tiêm chủng tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), 18 trẻ em dưới 7 tháng tuổi bị tiêm nhầm vắc xin COVID-19.
Trong văn bản chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế đánh giá "vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra".
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo hàng loạt nội dung công việc liên quan.
Trước hết là phải thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng, bao gồm:
Trước tiêm: khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vắc xin sẽ tiêm chủng...
Trong quá trình tiêm: thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng…
Sau khi tiêm: theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo quy định; xử lý chất thải y tế sau tiêm… theo các quy định hiện hành.
Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo; bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tiếp tục cập nhật thông tin và nhập mới, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng hằng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng của địa phương.
"Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm", Bộ Y tế nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý ngành y tế các tỉnh thành tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin và sự cần thiết tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm khác ngoài dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay; khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.