Bộ Chính trị vừa ban hành quy định mới về miễn nhiệm, từ chức với một số sửa đổi, bổ sung quy định ban hành 12 năm trước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định 260-QĐ/TW năm 2009 của Bộ Chính trị khóa X.

So với văn bản cũ, Quy định 41 có một sửa đổi lớn là không còn đề cập tới vấn đề thôi chức - bản chất là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ chấm dứt chức vụ để nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ để chữa bệnh.

Việc cho thôi chức vụ gắn với yếu tố khách quan, mà trong thực tế chủ yếu liên quan đến công tác điều động, bổ nhiệm, thậm chí lên chức của cán bộ. Quy định mới cũng không đề cập tới từ chức theo nghĩa là hành vi tự nguyện, tích cực để tổ chức tiến hành chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý cho người khác.

Không còn lẫn lộn giữa thôi chức với miễn nhiệm, từ chức - ảnh 1
Một cuộc họp của Bộ Chính trị -  Ban Bí thư, tháng 9-2021. Ảnh: TTXVN

Theo cách tiếp cận ấy, Quy định 41 chỉ điều chỉnh việc miễn nhiệm, từ chức theo nghĩa như một biện pháp về tổ chức áp dụng với cán bộ có vi phạm, khuyết điểm mà chưa đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức.

Về căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức, Quy định 41 cập nhật các vấn đề mới của Đảng so với nhiệm kỳ Đại hội X.

Chẳng hạn, công tác lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và cơ quan dân cử mới được triển khai từ sau Đại hội XI, thì nay được đưa vào làm một căn cứ để miễn nhiệm - khi cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, hoặc làm căn cứ để xem xét từ chức - khi có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.

So sánh căn cứ về tín nhiệm cho thấy, khi cán bộ bị tín nhiệm quá thấp thì cấp có thẩm quyền sẽ chủ động tiến hành thủ tục miễn nhiệm. Còn nếu mức độ tín nhiệm mới chỉ quá bán thì vẫn còn tùy thuộc vào ý chí của người cán bộ ấy, có xin từ chức hay không.

Cũng cập nhật các quy định mới của Đảng, Quy định 41 đưa vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, và vấn đề nêu gương – đều là những yêu cầu mới được đặt ra mạnh mẽ từ sau Đại hội XII – thành một căn cứ để xem xét có cán bộ miễn nhiệm.

Ngoài ra, Quy định 41 bổ sung một mục riêng về xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan tới trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể:

(1) Người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng thì xem xét miễn nhiệm.

(2) Người đứng đầu vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

(3) Người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng thì xem xét cho từ chức.

Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan chủ trì soạn thảo, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 cho biết so với Quy định 260, việc xem xét miễn nhiệm, từ chức theo quy định mới có phần đơn giản, dễ áp dụng hơn.

-----------------------

Tăng kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

 
 Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… là tinh thần chủ đạo trong Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. 

Cùng ngày với Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm”, hôm 25-10, thay mặt BCH Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Với 17 lần sử dụng từ khóa “tăng cường”, Kết luận 21-KL/TW chủ yếu nhấn mạnh, làm rõ hơn các vấn đề, nhận định, đánh giá, giải pháp đã được nêu trong hai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII – vốn dành riêng cho nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một số văn bản, nghị quyết khác của Trung ương, đồng thời cụ thể hóa một số yêu cầu mới đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII hồi đầu năm.

Tăng kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - ảnh 1

Khẳng định kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng của khóa XII

Về nhận định chung, Kết luận 21 khẳng định năm năm qua, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được triển khai thực hiện “nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”.

Tuy nhiên, công tác xây dưng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, mà bước vào giai đoạn phát triển mới cần phải khắc phục. Tinh thần là cần đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xác định đây là nhiệm vụ sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam.

Trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Kết luận 21 nhấn mạnh yêu cầu kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lưu ý phải tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Cùng với đó là tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức; đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.

Lưu ý trách nhiệm của đảng viên trong sử dụng mạng xã hội

Trung ương cũng yêu cầu tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội. Tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược và tổ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là một giải pháp chủ yếu được nhấn mạnh thành mục riêng trong Kết luận này. Theo đó, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, "đúng vai, thuộc bài", thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Kết luận 14-KL/TW.

Trong mảng giải pháp này, BCH Trung ương cho phép thí điểm một số chủ trương như: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngoài ra, cần tổng kết việc thí điểm thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng...

Nhấn mạnh vai trò của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Từ kinh nghiệm của khóa XII, BCH Trung ương khóa XIII yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Theo đó, cần chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ngay tại cơ sở, chi bộ, không để kéo dài hoặc "đùn đẩy" lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương và khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân.

Trong nhóm giải pháp này, Trung ương yêu cầu tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.

Dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Nhóm giải pháp thứ năm, cũng là cuối cùng hướng vào Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Để triển khai Kết luận này, BCH Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận này, tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt đến cán bộ chủ chốt; chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương… tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thể chế hoá nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận này, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.