Từ vụ làm tiền tài xế đậu xe ở một số nơi tại TP.HCM, nhiều bạn đọc phản hồi nêu ý kiến về vai trò của công an địa bàn. Camera an ninh khắp nơi, kết nối trụ sở công an nhưng tại sao không phát hiện và quyết liệt xử lý sớm?

Vụ chặn cát cứ lòng đường: Mong các anh quản chặt giùm! - Ảnh 1.

Luật sư Vũ Quang Đức: Trách nhiệm chính là của địa phương

Về việc chế tài xử lý tình trạng "cát cứ" lòng đường thu tiền đỗ xe, sau vụ việc báo Tuổi Trẻ nêu, Công an quận 5 xử phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng/người (theo điểm c khoản 2, điều 15 nghị định 167) đối với 9 người. Mức phạt này là chính xác. Hành vi thu tiền của nhóm người "cát cứ" lòng đường một phần xuất phát từ nhu cầu đậu xe (tại nơi được phép hoặc không được phép đậu) của chủ xe. Chủ xe mặc dù biết các đối tượng thu tiền bất chính, bất hợp pháp nhưng vẫn đưa tiền để việc đậu xe được êm xuôi, tránh bị phá rối (như bị bẻ kiếng, làm trầy xước xe, xịt lốp...).

Hành vi "cát cứ" lòng đường thu tiền là hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính với chế tài khá nhẹ nhàng, ở mức 2-5 triệu đồng/người. 

Thế nhưng, thực tế tình trạng "cát cứ" lòng đường thu tiền bất hợp pháp này không phải là ngày một ngày hai mà diễn ra phổ biến, thường xuyên, liên tục tại nhiều địa phương, khu vực. Nhất là tại các khu vực có nhu cầu đậu, đỗ xe ôtô cao mà lại thiếu các bãi đậu, đỗ như bệnh viện, trung tâm thương mại... 

Bên cạnh đó, hành vi thu tiền bất chính diễn ra với nhiều chủ xe và tổng số tiền thu hằng ngày, hằng tháng là không hề nhỏ đủ hấp dẫn các đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật. Đồng thời hành vi "cát cứ" lòng đường vừa xâm phạm đến tài sản chủ xe vừa gây mất trật tự đô thị, gây bức xúc xã hội.

Như vậy để đủ sức răn đe, đề phòng vi phạm thì các cơ quan chức năng có thể đề xuất quy định tăng mức phạt hành chính đối với hành vi này. Tuy nhiên, tăng chế tài vẫn chưa đủ, quan trọng nhất là cần vai trò và trách nhiệm quản lý địa bàn của các địa phương. Hiện nay, các địa phương tại TP.HCM đều có đầy đủ hệ thống camera giám sát cùng với sự giám sát, phản ảnh của nhân dân. Chỉ cần các địa phương giám sát, ngăn chặn, xử lý thường xuyên, nghiêm minh thì tình trạng cát cứ lòng đường sẽ được chặn đứng ngay.

Sau phản ánh của báo Tuổi Trẻ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, mới đây Công an quận 5 (TP.HCM) đã làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 9 người tự ý thu tiền trái phép xe đậu trên đường Tản Đà, Mạc Thiên Tích (xung quanh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM). Nhóm người này có hành vi "dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản", bị xử phạt với mức từ 2-5 triệu đồng/người. Vụ việc nhanh chóng được ngành chức năng xử lý rốt ráo, nhưng câu hỏi mà nhiều người đặt ra là làm thế nào để tình trạng trên chấm dứt hoàn toàn? Vì sao tình trạng này vẫn như "bắt cóc bỏ dĩa" trong nhiều năm qua?

Tăng cường camera giám sát

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - chủ tịch UBND phường 11, quận 5 - cho biết sau khi tiếp nhận thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh, bên cạnh các biện pháp giám sát những đối tượng có dấu hiệu tương tự, phường cũng đã kiến nghị quận có trao đổi, đề nghị Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong (đơn vị thu phí đậu xe qua ứng dụng) thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường mình quản lý, qua đó không tạo "kẽ hở" để những người khác thu trái phép.

Bên cạnh đó, bà Vân cũng cho biết phường đã cử một nhân viên trật tự đô thị trực camera an ninh được truyền về phường để tiếp tục giám sát hành vi của nhóm người thu phí đậu ôtô tương tự vừa qua. "Những trường hợp tương tự như báo chí phản ánh vừa qua nếu xảy ra phường sẽ có những hình ảnh để có căn cứ xử lý khi có dấu hiệu vi phạm, đồng thời giám sát luôn những vi phạm trật tự đô thị nói chung", bà Vân chia sẻ.

Gần đây, TP Thủ Đức ra mắt trung tâm điều hành thông minh (IOC). IOC TP Thủ Đức giai đoạn 1 được xây dựng và đã đưa vào vận hành với 9 hệ thống: phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; tiếp nhận phản ảnh của người dân; quản lý văn bản điện tử; hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng và giao thông; hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội; dữ liệu ngành giáo dục, y tế...

Từ năm 2020, IOC quận 1 cũng đã tích hợp 8 hệ thống thông minh đóng vai trò là não bộ tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của quận 1 thông qua việc thu thập,

chuẩn hóa dữ liệu... Quận 1 đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn quận, kết nối về trung tâm điều hành thông minh với trên 1.115 mắt camera và trên 128 đầu thu; đầu tư lắp mới các camera tầm xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự như: khách sạn Rex, vòng xoay Lê Duẩn, Nhà thờ Đức Bà, Tổng lãnh sự quán Mỹ, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, Thảo cầm viên, tượng Trần Hưng Đạo; nâng cấp 10 camera quan sát tầm xa trên các xe của 10 phường trên địa bàn quận.

"Chuyện thường ngày ở huyện"

"Chuyện thường ngày ở huyện" - nhiều tài xế thâm niên chạy xe dịch vụ nói như vậy khi được hỏi về tình trạng "cát cứ" lòng đường, thu tiền đậu xe trái phép tại một số nơi ở TP.HCM. Thường xuyên chở khách đến TP.HCM khám chữa bệnh, tài xế N.T.T. (quê Tiền Giang) cho biết tình trạng nhóm thanh niên tự ý thu tiền ôtô đậu trên đường Tản Đà không phải mới. "Đưa khách vào bệnh viện rồi, chỉ cần chạy xe ra khu vực đường Tản Đà, Mạc Thiên Tích là có người "ngoắc" mời chào đậu xe.

Theo tài xế T., sau khi "nhiệt tình" hướng dẫn tài xế đậu xe ngay ngắn, những người này liền "gõ cửa" thu tiền. "Tình trạng này như luật ngầm lâu nay rồi, mình cần chỗ đậu nên đành đưa tiền luôn cho yên chuyện, còn hơn bị trầy xe, gãy kính hậu, không đồng ý thì phải chạy đi chỗ khác. Họ thu công khai, tài xế chạy dịch vụ chúng tôi nhắc tới khu đó ai mà không biết. Mà cũng còn các khu khác thu tiền như vậy...".

Vốn có doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động lâu năm tại TP.HCM, anh N.V.T. (quận 11) cho rằng quận 5 là địa phương có nhiều nơi, nhiều nhóm người ngang nhiên thu phí đậu xe của các tài xế. Kể về "kỷ niệm" khó quên về chuyện này, anh T. nói: "Tầm tháng 2 năm nay, tài xế xe 7 chỗ của tôi trong lúc đang dừng chờ khách trên đường Trần Bình Trọng thì có người cầm kim tiêm đến kêu đưa tiền đậu xe, người này nói tuyến đường này của họ. Tài xế không đồng ý đưa tiền liền bị người đó bẻ gãy kính chiếu hậu rồi bỏ chạy".

Anh T. cho biết anh luôn dặn các tài xế nếu bị thu tiền thì chạy đến chỗ khác tìm chỗ đậu chứ tuyệt đối không đưa tiền cho những người không có nhiệm vụ, tự tiện thu tiền. "Giờ mình đưa tiền cho họ rồi lỡ bị công an xử phạt thì cũng mình chịu trách nhiệm chứ ai" - anh T. nói.

---------------------------------------

Công an mời 3 nhóm thu tiền đậu xe 'chui' ở quận 5 lên làm việc

Sau bài viết "Tuyến đường này tôi quản lý!" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 30-10, Công an TP.HCM và UBND quận 5 chỉ đạo Công an quận nhanh chóng xác minh thông tin liên quan.

Từ phản ánh của Tuổi Trẻ, công an mời 3 nhóm thu tiền đậu xe chui ở quận 5 lên làm việc - Ảnh 1.
Nhóm 9 người trong 3 gia đình đứng ra thu tiền đậu ô tô trái phép quanh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tại cơ quan công an - Ảnh: MINH HÒA

Tối 1-11, lãnh đạo Công an quận 5 (TP.HCM) cho biết sau khi xác minh, đã mời 9 người trong 3 nhóm "cát cứ" lòng đường, thu phí đỗ ô tô trái phép về trụ sở làm việc.

9 người trong 3 nhóm thu tiền giữ xe "chui"

Theo đó, từ tư liệu mà Tuổi Trẻ cung cấp và bằng các biện pháp nghiệp vụ, đội cảnh sát hình sự Công an quận 5 phối hợp Công an phường 11 đã đưa 9 người liên quan về trụ sở để làm rõ.

9 người gồm: nhóm 1, gia đình bà Nguyễn Thanh Đẹp (50 tuổi), Nguyễn Vinh Quang (61 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Thủy (21 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức) thừa nhận thu tiền giữ ô tô tự phát những tài xế chở người đến thăm khám bệnh ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, dừng đậu khu vực tuyến Tản Đà (đối diện cổng số 2 bệnh viện) và một góc Tản Đà - Mạc Thiên Tích, mỗi chiếc 30.000 đồng, không ăn chia với ai, trung bình mỗi ngày thu được 200.000 đồng.

Nhóm 2 chỉ có bà Nguyễn Thị Thu Hồng (58 tuổi, ngụ quận 10). Bà Hồng thừa nhận thu tiền giữ ô tô tự phát phía bên Trường đại học Y dược, đến tuyến đường nội bộ rẽ vào siêu thị điện máy Chợ Lớn, mỗi chiếc 30.000 đồng, không ăn chia với ai.

Nhóm 3 là gia đình bà Trần Thị Lai (61 tuổi), Đỗ Phi Hùng (42 tuổi), Lưu Vinh Quyền (33 tuổi), Đỗ Gia Bảo (18 tuổi) và Đỗ Khang Duy (19 tuổi, cùng ngụ quận 5). Cả 5 người thừa nhận thu tiền ô tô đậu ở khu vực xung quanh nhà hàng H.L. (số 86 Tản Đà, phường 11, quận 5) với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.

Thu tiền giữ xe tự phát, không ăn chia với ai, tiền thu được đem về đưa cho bà Lai.

Thu tiền xong, "có công an" thì bỏ chạy mất hút, mặc kệ khách

Bước đầu, những người này khai do khó khăn nên "làm liều" ra chặn đường thu tiền, khi công an phường hay lực lượng chức năng tuần tra thì nhóm người này bỏ chạy. Mặc cho khách bị cơ quan chức năng xử lý vì đỗ xe tuyến đường có biển báo cấm dừng, cấm đỗ.
Từ phản ánh của Tuổi Trẻ, công an mời 3 nhóm thu tiền đậu xe chui ở quận 5 lên làm việc - Ảnh 2.

Thanh niên thu 50.000 đồng tiền giữ xe trên đường Tản Đà - Ảnh: ĐAN THUẦN

Sau khi mọi chuyện "êm xui", những người này tiếp tục "lộ diện" thu phí đỗ xe ô tô với những người từ các tỉnh thành chở người lên TP khám bệnh.

Theo một điều tra viên, những người này khi gặp những tài xế "cứng cựa" thì sẽ bỏ đi, không dám dọa vì những tài xế lâu năm ở TP đã "nắm thóp" chiêu trò hoạt động của nhóm này.

Về việc nhóm này "bảo kê" khi đã thu tiền 50.000 đồng thì không bị xử phạt khi tài xế đậu xe trên tuyến đường cấm dừng, cấm đỗ, điều tra viên này cho hay nhóm này chỉ nói vậy với cánh tài xế để "nổ" nhằm yên tâm và dễ dàng lấy tiền.

"Lực lượng chức năng tới kiểm tra, nếu xe đậu sai biển báo thì vẫn bị xử phạt như thường", điều tra viên này khẳng định.

Hiện Công an quận 5 đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

-----------------------------

'Tuyến đường này tôi quản lý!'

Các tuyến đường gần bệnh viện ở quận 5 (TP.HCM) bị một số thanh niên "cát cứ", ngang nhiên thu phí đậu ôtô. Tài xế H. thắc mắc, một thanh niên quần đùi, áo thun dõng dạc: 'Tuyến đường này tôi quản lý'...

Tuyến đường này tôi quản lý! - Ảnh 1.
Thanh niên đến thu 50.000 đồng tiền đậu xe trên đường Tản Đà - Ảnh: ĐAN THUẦN

Từ phản ánh, trong các ngày 25, 26 và 28-10-2021, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tại đường Mạc Thiên Tích và đường Tản Đà, ngay Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (phường 11, quận 5) không khi nào vắng mặt nhóm 4 - 5 người ngang nhiên đứng ra thu tiền đậu ôtô dưới lòng đường.

Thu 50.000 đồng bao đậu "từ sáng đến chiều"

Nhóm người này "bao đậu xe từ sáng tới chiều không bị công an xử lý", mặc dù tuyến đường Tản Đà do Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong (TNXP) thu phí đậu ôtô theo giờ.

Điều đáng nói hơn là nhóm người này "cát cứ" lòng đường "hét giá" thu tiền và dọa tài xế nếu không đóng tiền thì bị bẻ gương, trầy xe "như chơi" khiến không ít tài xế bất an, bức xúc nhưng không dám cự lại.

Cụ thể, ngày 25-10 tài xế H. chở người nhà đi khám bệnh chạy ôtô đến đường Tản Đà, thấy có biển thông báo tuyến đường đậu ôtô có thu phí theo giờ qua ứng dụng My Parking nên yên tâm tấp xe vào. Ngay lập tức một thanh niên mặc quần đùi, áo thun đi bộ đến hướng dẫn đậu xe ngay ngắn và nói với tài xế: "Chỗ này đậu xe có thu phí. Cho em thu 50.000 đồng tiền đậu xe".

Tài xế H. thắc mắc đường này có biển thu phí qua ứng dụng, chưa dứt lời thì người này chen ngang: "Tuyến đường này tôi quản lý, đóng tiền cho địa phương rồi, đầu đường có biển báo cấm dừng cấm đậu, công an chạy qua chạy lại nhiều, không đóng tiền bị phạt ráng chịu, còn tôi thu tiền rồi thì ông cứ yên tâm đậu từ sáng tới chiều cũng không sao".

Tài xế H. đưa tiền và yêu cầu thẻ giữ xe thì nam thanh niên này nói không có và bỏ đi thu tiền xe khác.

"Đường nhà nước mà chúng đứng ra ngang nhiên thu tiền trắng trợn như vậy thì cánh tài xế chúng tôi rất bức xúc. Tôi đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý để người dân an tâm", tài xế H. bức xúc.

Giao công an theo dõi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Châu Vĩnh Thọ - phó chủ tịch UBND phường 11, quận 5 - khẳng định không có chuyện nhóm người thu tiền giữ xe "lo" chính quyền để tài xế không bị lực lượng chức năng xử phạt xe đậu sai quy định như những gì nhóm người này nói. Theo ông Thọ, phường vẫn thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, xử lý các xe đậu sai quy định trên tuyến đường Mạc Thiên Tích.

Đối với đường Tản Đà, do Công ty TNHH MTV TNXP thu phí sử dụng lòng đường tạm thời nên tài xế được phép đậu xe với điều kiện phải đóng phí qua ứng dụng. Phường cũng đã nhiều lần kiểm tra ngẫu nhiên ứng dụng của tài xế và đúng như phản ánh, nhiều thời điểm lực lượng TNXP "vắng mặt".

Thay vào đó là một nhóm người tự ý thu phí sai quy định. "Việc nhóm người tự đứng ra thu phí tài xế là sai, chúng tôi đã giao Công an phường theo dõi hoạt động của nhóm đối tượng này và Công an phường cũng đã báo cáo Công an quận. Tài xế nếu đã đậu xe sai biển báo hoặc không đóng tiền qua ứng dụng thì khi chúng tôi kiểm tra phát hiện đều vẫn xử lý như thường", ông Thọ nói.

-----------------------------

'Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi'

"Gia đình tôi chuyển về đây được vài năm nay, do khu đô thị không có tầng hầm làm bãi đỗ xe nên phải gửi ở nơi khác. Ai ngờ mấy tháng trước bãi xe mọc lên ngay sát tường nhà tôi".

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 1.
Bãi trông giữ xe "mọc" lên trong khu đô thị Mỹ Đình I - Ảnh: Q.THẾ

Người dân sống trong khu đô thị Mỹ Đình I, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc vì hè, đường trong khu đô thị bỗng dưng biến thành bãi giữ ôtô…

Ông L.V.N. (khu đô thị Mỹ Đình I) cho biết: "Gia đình tôi chuyển về đây được vài năm nay, do khu đô thị không có tầng hầm làm bãi đỗ xe nên phải gửi ở nơi khác. Ai ngờ mấy tháng trước bãi xe mọc lên ngay sát tường nhà tôi. Phải dẹp bỏ ngay bãi đỗ xe này, trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi…".

Theo ghi nhận, nhiều lối ra vào đến hè, sân khu đô thị Mỹ Đình I được kẻ vạch vôi đỗ ôtô để thu phí.

"Trước đây hai đứa con tôi ngày nào cũng xuống đi xe đạp nhưng nay bị mất chỗ. Xe ôtô đỗ quá nhiều khiến đường trong khu đô thị đã nhỏ nay lại càng hẹp. Nếu chẳng may xảy ra cháy thì xe cứu hỏa sẽ vào như thế nào?" - một người dân bức xúc.

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 2.

Người dân tập thể dục trong khu đô thị phải đi xuống lòng đường - Ảnh: Q.THẾ

Theo tìm hiểu, tháng 9-2020, ông Nguyễn Huy Cường - phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (nay là chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm) - đã ký "giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường để trông giữ phương tiện có thu phí" cho một doanh nghiệp.

Nơi được cấp phép là một số đoạn đường nội bộ trong khu đô thị với tổng diện tích 865m2 sau các tòa nhà chung cư A2, B4, B5, C2, C4, C5, C7 thuộc khu đô thị Mỹ Đình I.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ làm việc, đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, tuy nhiên đã hơn 2 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi.

Chiều 2-3, một cán bộ UBND quận Nam Từ Liêm đã tiếp nhận thông tin cho biết: "Tôi đã đôn đốc Phòng quản lý đô thị nhiều lần. Hiện nay vẫn phải chờ văn bản của phòng này tham mưu…".

Dưới đây là hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận:

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 3.

Xe ôtô đỗ kín hai bên lòng đường - Ảnh: Q.THẾ

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 4.

Nơi tập thể dục cũng bị đỗ kín xe - Ảnh: Q.THẾ

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 5.

Xe đỗ kín dưới một tòa nhà chung cư - Ảnh: Q.THẾ

Phải trả lại vỉa hè, đường sá cho khu đô thị của chúng tôi - Ảnh 6.

Khu vực ưu tiên cho xe cứu hỏa cũng bị chiếm dụng - Ảnh: Q.THẾ