“F0 và trẻ em ăn mà không ai thanh toán, tôi chịu trách nhiệm”
Trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH) ngày 10.11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết có tình trạng ngại mua sắm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch tại các địa phương do sợ xử lý dù đã có Nghị quyết 30 cho phép áp dụng các biện pháp đặc thù, khẩn cấp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) QH về việc triển khai các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chậm, cũng chỉ rõ một trong các nguyên nhân là do “sợ trách nhiệm”. “Chẳng hạn như việc hỗ trợ cho F0, trẻ em tiền ăn là 80.000 đồng, có địa phương kiến nghị gửi Bộ trưởng tới 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc. Về sau tôi phải nói, nếu F0 và trẻ em ăn mà không ai thanh toán, tôi chịu trách nhiệm; bấy giờ địa phương mới cho thanh toán. Tâm lý một số địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm, việc này là có”, ông Dung nói.
Phó trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công thậm chí còn cho rằng nỗi lo bị sợ kỷ luật, sợ xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành một nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức. Dẫn chứng số liệu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của Chính phủ có tới 36/50 bộ cơ quan T.Ư, 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó có 20 bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%, ông Công cho rằng đây là hệ quả của căn bệnh trì trệ đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ nhiều cấp.
|
Bộ trưởng Công an Tô Lâm: "Có sự lợi dụng dịch bệnh để tư lợi, ăn chia" |
Trao đổi với Thanh Niên, ĐBQH tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho rằng nguyên nhân của tình trạng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm để giữ mình “tròn trịa” chủ yếu là do năng lực và nhận thức hạn chế, yếu kém.
Dẫn câu chuyện hơn 20.000 hộp sữa mà ĐB TP.HCM nêu hôm 9.11 tại QH, ông Vân cho rằng đây là thể hiện cho sự đùn đẩy, né tránh vì sợ trách nhiệm. “Kể cả đó là việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong tình hình dịch bệnh cấp bách, đó là lô sữa ủng hộ cho trẻ em không thể để quá lâu được mà lại có văn bản đề nghị hỏi ý kiến Chính phủ thì không chỉ vô trách nhiệm mà còn là vô cảm”, ông Vân nhấn mạnh và cho rằng nhiều người đứng đầu tỉnh, thành, bộ, ngành hiện nay cũng đang “ngồi im”, không quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao cũng là biểu hiện của trình trạng sợ trách nhiệm.
“Những người chỉ lo giữ cái ghế của mình, tránh trách nhiệm đối với việc chung nên bị bãi chức, cách chức, thậm chí xử lý nghiêm. Bộ máy của Đảng, Nhà nước không nên chấp nhận những người đấy ngồi trên vị trí lãnh đạo. Vì tuy họ không trực tiếp vi phạm pháp luật, nhưng họ là người trì trệ, đứng đầu, chủ trì công việc mà không làm gì là kéo lùi sự phát triển của địa phương, của đất nước. Nếu sợ hãi thì không nên làm lãnh đạo”, ông Vân nói.