Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế góp phần tạo thuận lợi cho 4 địa phương trong thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền,và tạo tiền đề để áp dụng cho các địa phương khác.

Sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố, với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành Nghị quyết về Hải Phòng là 88,58% (442/477 đại biểu tham gia biểu quyết), Nghệ An là 86,17% (430/467), Thanh Hóa là 82,97% (414/462), Thừa Thiên Huế là 87,37% (436/470).

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng nêu rõ, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.

Ngoài ra, sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố -0
 Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. (Ảnh:VĂN TOẢN)

Nghị quyết về tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ.

Nghị quyết của Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tất cả các Nghị quyết đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự thảo Nghị quyết, nêu rõ trong hồ sơ các dự thảo Nghị quyết của cả 4 địa phương đều đã có Báo cáo đánh giá tác động toàn diện, trong đó có tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước.

Theo đó, với cơ chế như Nghị quyết thì sẽ không tác động lớn đến số thu ngân sách Trung ương và bảo đảm cân đối chung vì việc bổ sung có mục tiêu chỉ thực hiện khi ngân sách Trung ương không hụt thu và số bổ sung không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với năm trước; tỷ lệ vay hằng năm được khống chế trên cơ sở mức trần bội chi (bội chi ngân sách địa phương ở mức 0,3% tổng bội chi ngân sách nhà nước).

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố -0
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự thảo Nghị quyết.

Về các cơ chế, chính sách cụ thể, có ý kiến đề nghị hạ mức trần dư nợ, tránh ảnh hưởng địa phương khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp. Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm Quốc hội quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng. Như vậy, việc áp dụng cơ chế này không ảnh hưởng đến dư địa vay của các địa phương khác.