Bác sĩ Lương Lễ Hoàng sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Sau 30 năm hành nghề khá thành công tại Đức, bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã trở về Việt Nam sinh sống từ năm 2011 và góp tay xây dựng Trung tâm oxy cao áp rất được khách hàng ở TP.HCM tin cậy.
Xuất thân từ Trường Đại học Y khoa Minh Đức là nơi đào tạo theo tôn chỉ Đông Tây y kết hợp, nên bác sĩ Lương Lễ Hoàng bền bỉ theo đuổi phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh ứng dụng y học cổ truyền của Việt Nam. Một trong những tác phẩm tâm đắc của bác sĩ Lương Lễ Hoàng là cuốn sách “Viết vì sức khỏe nhà nông”, mong muốn giúp bà con vùng sâu vùng xa có thể tận dụng những cây cỏ xung quanh để cải thiện thể lực và ngăn ngừa các chứng bệnh hiểm nghèo.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng không chỉ có uy tín trong giới chuyên môn mà còn được công chúng yêu mến, vì ông luôn chủ trương phổ biến kiến thức y khoa đến từng nhà, từng người. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng từng chủ trì hàng chục chương trình tương tác về sức khỏe trên sóng truyền hình và sóng phát thanh như “Y khoa vui vẻ”, “Thầy thuốc của nông dân”, “Mỗi ngày một lời khuyên” hoặc “Mượn sức thiên nhiên phòng bệnh”.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng đề cao các quan niệm “Tuân thủ qui luật của thiên nhiên là liệu pháp phù hợp nhất cho con người”, “Thầy thuốc thượng phẩm chữa bệnh khi bệnh chưa phát”, “Ai chữa lành, người đó có lý” và “Hãy dùng thực phẩm như dùng thuốc”.
Mặc dù công việc bận bịu, bác sĩ Lương Lễ Hoàng vẫn dành dụm thời gian để viết sách. Tủ sách “Y học, ai đọc cũng hiểu” của bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã mang đến cho cộng đồng hơn 30 tác phẩm bổ ích có giá trị ứng dụng dễ dàng như “Dinh dưỡng để phòng bệnh”, “Dinh dưỡng để trị bệnh”, “Khỏe nhờ sinh tố”, “Mạnh nhờ khoáng tố”, “Nỗi buồn ngày mới lớn”, “Thuốc đắng đã tật”, “Ngọn đèn trước gió”, “Mỗi tuần một chuyện cà kê”, “Cháy máy vì nghẹt xăng” …
Cuộc đời 70 năm nhiều xô dạt và đầy ý nghĩa của bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã khép lại. Thế nhưng, những tâm tư của ông dành cho sức khỏe cộng đồng, chắc chắn sẽ được nhiều người khắc ghi.
Vĩnh biệt bác sĩ Lương Lễ Hoàng, xin cùng đọc lại lời nhắc nhở rất trách nhiệm của ông:
“Trong bối cảnh vui buồn lẫn lộn vì thuốc tốt chào hàng bên cạnh môi trường ô nhiễm trầm trọng, ngành y phải trực diện với một thực trạng phức tạp hơn nhiều, với bệnh nghề nghiệp, bệnh tâm thể, bệnh mãn tính, bệnh ác tính đang “thập diện mai phục”. Thầy thuốc hiện nay không thể chỉ tập trung vào biện pháp cấp cứu nếu bệnh nhân may mắn lọt kịp vào phòng hồi sinh. Bệnh nhân không thể phó mặc cho may rủi trong khi bệnh nguyên chực chờ từ môi trường sống cứ như ngay trong bãi rác, từ phế phẩm tích lũy liên tục do rối loạn biến dưỡng qua nếp sinh hoạt trái ngược với thiên nhiên.
Như lời cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, y học ở thiên niên kỷ này không thể khu trú vào mục tiêu cấp cứu vì giải pháp rốt ráo nằm ngoài bệnh viện, nằm xa tầm tay của thầy thuốc. Lối thoát qua ngõ thiên nhiên do đó phải càng gần tầm tay càng tốt cho người chưa bệnh và không muốn bệnh quá sớm. Đó chính là động cơ vì sao y học phòng ngừa + y khoa sinh học + y học cổ truyền, tất nhiên sau khi đã được nghiên cứu và xác minh tác dụng, cần được chú trọng, thay vì đợi bệnh mới chữa, thay vì chỉ trông mong vào viên thuốc hóa chất để chữa cháy cầm canh khi bùng ngọn lửa để chờ ngày cháy sạch”.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (phải) cùng nhà báo Kim Ánh - Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM - trong một cuộc giao lưu cùng khán thính giả rất hồn nhiên và vui vẻ
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hội Nhà báo TPHCM thành kính chia buồn cùng gia đình và tang quyến bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã qua đời vì Covig-19.
Bác sĩ là một trong những thày thuốc giỏi, có tâm và có tài, đã gắn bó, tâm huyết cả cuộc đời với nghề nghiệp cao quý "Lương y như từ mẫu" vì mọi người, vì sức khoẻ cộng đồng. Khi thuyết trình về vấn đề giữ gìn sức khoẻ, điều trị bệnh, dinh dưỡng cho người lao động..., ông là một chuyên gia y tế, một diễn giả hoạt bát, vui vẻ, luôn đem lại nụ cười lạc quan, yêu thương cho khán giả và bạn đọc của báo chí. Bác sĩ đã gắn bó chân tình, nhiệt huyết với nhiều cơ quan báo, đài và luôn khiêm tốn, cởi mở khi gặp gỡ, giúp đỡ bạn đọc gần xa.
Tiễn đưa bác sĩ về nơi cuối trời, nguyện cầu hương hồn ông sớm siêu thoát
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------