Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu theo hướng bãi bỏ quy định bổ sung vi chất vào muối và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09, nhưng Bộ Y tế gần đây lại có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thực phẩm tiếp tục thực hiện nghiêm quy định Nghị định 09 và đang xây dựng dự thảo kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định này.

Quy định gây khó cho doanh nghiệp nhưng ba năm vẫn không sửa

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 09 trong đó quy định về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến phực phẩm. Sau 5 năm triển khai, nghị định đã gây ra nhiều vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp (DN), dẫn đến thiệt hại trong sản xuất, xuất khẩu.

Nghị định 09 quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt và bột mì trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung sắt và kẽm”. 

Mới đây, tại hội thảo “Thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm” vừa tổ chức tại TPHCM, các hiệp hội, ngành hàng như Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Hội nước mắm Phú Quốc ....đều đồng loạt kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ Nghị định này vì thiếu khoa học và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng thêm phí và giảm  năng lực cạnh tranh của các DN, không hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. 

Bổ sung I-ôt: Tốn kém, không có lợi sức khỏe, không phù hợp quốc tế

Theo phân tích của các chuyên gia, I-ốt với tính chất là một chất oxy hóa mạnh khi bổ sung vào các loại thực phẩm sử dụng công nghệ sấy như sản phẩm thủy sản; rau củ, thịt gia cầm, sản phẩm (SP) từ ngũ cốc hay các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt; các SP ăn ngay, ăn liền..., quá trình chế biến với nhiệt, ẩm và bảo quản thì I-ốt dễ sinh phản ứng với các thành phầ trong thực phẩm, làm SP biến đổi mùi, vị, màu sắc, làm ảnh hưởng chất lượng SP. Đáng nói, sản phẩm thành phẩm không có hoặc chỉ có rất ít I-ốt. 

Đối với một số nhóm hàng như nước mắm truyền thống, trong nguyên liệu chính là cá biển vốn rất giàu I-ốt, áp quy định phải bổ sung vừa gây tốn kém vừa làm biến đổi màu, vị của nước mắm và không có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Một số nước nhập khẩu như Nhật Bản không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt. Nhiều DN để xuất được hàng đi phải làm chứng nhận không sử dụng muối I-ốt rất tốn kém. Điển hình như Nhật Bản và DN phải điều chỉnh cả quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu cac nước xuất khẩu.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, Hội đã thử nghiệm bổ sung I-ốt tại nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn. Kết quả, chỉ tiêu hóa lý độ đạm, amon, amin, muối trong nước mắm không thay đổi; hàm lượng I-ốt bổ sung không thay đổi trong suốt quá trình ủ chượp; thay vào đó màu nước mắm chuyển màu đen sậm.

“Hàm lượng i-ốt sẵn có trong nước mắm Phú Quốc từ 300-400mcg/l. Nếu một người trưởng thành dùng 10ml nước mắm/ngày thì sẽ hấp thụ được 3-4mcg i-ốt. Mặc dù, theo khuyến cáo của tổ chức y tế nhu cầu cơ thể người trưởng thành cần 150mcg I-ốt/ngày, nhưng hàng ngày con người còn dùng các thực phẩm khác có chứa hàm lượng I-ốt khác nhau”, bà Liên phân tích.

Theo ông Vũ Thế Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM: "Hiện I-ốt chỉ nên bổ sung cho người ở nông thôn, cao nguyên chứ không nên áp dụng đại trà. Ở các nước tiên tiến, các nhà sản xuất muối đều có hai loại có I-ốt và không có I-ốt để tự người tiêu dùng lựa chọn theo nhu cầu chứ không áp dụng đại trà như Việt Nam"

Theo đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), I-ốt rất nhạy với nhiệt độ và ánh sáng, mà các SP chế biến từ thịt thường dùng nhiệt độ cao. Do vậy, sản phẩm được bổ sung I-ốt nhưng sau quá trình xử lý nhiệt lại không còn tồn dư I-ốt. SP còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do có sự tác động của I-ốt với các thành phần nguyên liệu ban đầu. Việc sử dụng muối có tăng cường I-ốt cũng khiến chi phí tăng thêm 5% nhưng quan trọng là không còn hiệu quảcho người sử dụng SP.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)  cho biết, việc thiếu và thừa i-ốt đều có tác động xấu đến chức năng tuyến giáp. Việc tiêu thụ quá I-ốt có thể dẫn đến các biến chứng như cường giáp hoặc suy giáp, ở một số trường hợp. 

Thêm sắt và kẽm vào bột mì: Tăng chi phí và không cần thiết

Tương tự, việc bổ sung sắt và kẽm trong bột mì chế biến thực phẩm cũng rất nhiều khó khăn, tốn chi phí cho DN vì đa số nguyên liệu bột mì phải nhập khẩu mà ở nhiều nước, mà ở các nước thì bột mì không quy định bổ sung vi chất kẽm, sắt nên DN nhập về phải bổ sung thêm vi chất, dẫn đến tăng thêm chi phí . Theo phản ánh từ các DN, khi sử dụng bột mì có bổ sung sắt, kẽm đều làm SP thay đổi chất lượng, màu sắc, độ mềm, mịn… 

Ở một số nước xuất khẩu, khách hàng cũng từ chối một số SP có I- ốt và SP làm từ bột mì có bổ sung sắt và kẽm, ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận của DN.

Tổng giám đốc Acecook Việt Nam Kajiwara Junichi  cũng cho rằng: “Sau 5 năm thực hiện Nghị định 09, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nước khác không cấp nhận bổ sung vi chất, nên chúng tôi phải phân riêng sản xuất trong nước và xuất khẩu, dẫn đến tăng chi phí, tăng giá thành, vừa mất thời gian, tốn nhân công”. Điển hình khi xuất khẩu sang Nhật Bản, nước này không chấp nhận các sản phẩm có I-ốt, sắt, kẽm nên hiện nay Acecook phải sản xuất riêng mì ăn liền, phở ăn liền để phục vụ khoảng 400.000 người Việt sống tại Nhật và người tiêu dùng Nhật Bản.

Bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng cho biết: “Nghị định 09 thiếu hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Bởi khi bổ sung i-ốt vào một số loại thực phẩm như sản phẩm như thủy sản, rau củ quả sấy khô, sản phẩm ăn liền...  dễ dàng có phản ứng, làm các SP  bị biến mùi, biến vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm . Vì vậy, trong nhiều năm, các Hội ngành nghề và Hội Lương thực Thực phẩm đã liên tục kiến nghị với Bộ Y tế là phải hoàn chỉnh sửa chữa theo yêu cầu của Chính phủ, tức là không bắt buộc DN phải bổ sung vi chất vào trong sản xuất, mà chỉ khuyến khích DN sử dụng thôi”.

Bà Lý Kim Chi cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc quy định bổ sung muối i-ốt, sắt và kẽm khi chế biến - sản xuất càng làm cho nhiều DN trong ngành thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu theo hướng bãi bỏ quy định trên nhưng đến nay, Nghị định này vẫn trói chân các DN trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh, gây khó khăn cho DN, thậm chí có thể còn làm mất thị trường xuất khẩu.

San-xuat-nuoc-mam-tai-584-Nha-9952-3505-
 

Tuy nhiên, tháng 9/2021, Bộ Y tế lại có văn bản gửi các Hiệp hội và DN  thực phẩm yêu cầu các DN tiếp tục thực hiện nghiêm quy định Nghị định 09 và đang xây dựng dự thảo kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định này.

Tiến sĩ Đỗ Việt Hà - Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học TPHCM  cho biết: “Quy định bổ sung vi chất không hợp lý sẽ làm hạn chế sự hội nhập quốc tế về thương mại, nhất là xuất khẩu. Vô tình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của một số đối tượng không cần thiết phải bổ sung thêm vi chất. Đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng SP truyền thống đã được quốc tế công nhận, ảnh hưởng đến sản xuất của một số nhà máy quy mô lớn”.

Ông Vũ Thế Thành cũng ý kiến: "Chính phủ cần xem lại quy định này. Nếu bắt DN bổ sung I-ốt vào thực phẩm sẽ làm khó những người tiêu dùng bị cường giáp... không có sự chọn lựa SP vốn phải kiêng I-ốt. DN bắt buộc thực hiện quy định này phải chịu chi phí giá thành tăng, sản phẩm không giữ được màu sắc, mùi vị khó cạnh tranh, xuất khẩu; DN “chết” ngay trên sân nhà". Nếu muốn bổ sung vi chất kể trên cần có quy hoạch vùng miền, không công bằng khi bắt buộc tất cả người dân dùng SP có bổ sung I-ốt, sắt, kẽm... "Tức là, Nhà nước không nên bắt buộc mà khuyến khích DN bổ sung I-ốt”, ông Thành đề xuất.

Đại diện Vissan kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế sửa đổi quy định này theo hướng bỏ yêu cầu bắt buộc bổ sung các vi chất, thay vào đó là khuyến khích DN chế biến sử dụng tùy theo SP,  quy trình chế biến...

Trước những vướng mắc, khó khăn của DN và bằng chứng khoa học của các chuyên gia, các Hiệp hội cho biết sẽ tiếp tục cùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế quy định này.