Những nụ cười hiếm hoi

“Chuẩn bị nội dung” của Thiếu tướng Phan Anh Minh là việc ông “moi” lại những thông tin cất trong trí nhớ theo yêu cầu thôi. Ông có trí nhớ rất tốt, và theo ông, ở vị trí Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, nếu không có “kho lưu trữ thông tin” tốt, mà khi cần chỉ “enter” là thông tin cần thiết bật ra ngay, thì sẽ khó khăn cho công việc.

Ông kể, có hôm khuya đang ngủ, trinh sát hình sự điện thoại báo Dũng AK vừa vô thành phố và hỏi có bắt hay không? Khi ấy, bên hình sự và ma túy đang “treo lệnh ngầm”, nào là Dũng lừng, Dũng AK, Dũng bò, Dũng Nghệ, Dũng thuốc… “Ngay lập tức, tôi phải nhớ ngay Dũng AK là ai? Trong vụ án nào, xảy ra ở đâu? Các đối tượng nguy hiểm linh tính chúng nhạy lắm, bắt hay không thì phải quyết định thật nhanh. Vì chỉ chậm tích tắc thôi là có thể tuột tay, mà chưa biết bao giờ mới gặp lại nó”, ông khẳng định. Trí nhớ của ông có nhiều “ngăn”, thế nên cánh nhà báo chúng tôi gọi ông là “Minh IBM”. 

Trong 18 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an TPHCM, ngoài một năm (2001) là Phó giám đốc phụ trách An ninh là đúng ngành học (tướng Minh từng là Thủ khoa khóa D9 của Đại học An ninh), còn lại 17 năm Phó giám đốc, tướng Minh phụ trách lực lượng cảnh sát. Thời gian đầu, nhiều người nghĩ tướng Minh chuyển sang công tác cảnh sát có vẻ “trái tay”. Thế nhưng, hiệu quả công việc 17 năm qua của ông đã khẳng định, không trái tay chút nào. 

 Như lần truy bắt đường dây vận chuyển và tiêu thụ heroin từ Nghệ An vào TPHCM, do Hạnh cầm, Lệ mập và Hải luận - những tội phạm cực nguy hiểm chuyên dùng vũ khí quân dụng để chống trả lực lượng công an - cầm đầu. Thượng tá Lý Đại Bàng, khi ấy là Phó phòng Cảnh sát điều tra chống tội phạm ma túy (PC 47), đã bước vào cuộc chiến sinh tử với tư thế và hào khí của một trinh sát SBC (săn bắt cướp) lừng danh năm xưa.

Lúc xuất phát, Lý Đại Bàng truyền đến các trinh sát trẻ quyết tâm sắt đá: “Đã đánh - phải thắng và phải cố giữ an toàn trở về”. Hạnh cầm bị bắt ngay trên giường, khi y chưa kịp rút súng. Trong số tang vật, có chiếc két sắt to ở góc nhà, nhưng tên Hạnh quyết không khai mã khóa. Cả khu vực Long Khánh heo hút không tìm ra thợ mở két sắt. Có ý kiến chở két sắt về TPHCM. Tướng Minh không chấp thuận vì lo chúng có thể gài chất nổ trong két, quyết “một còn, hai… nát”. Dù phương án chở thợ mở khóa từ TPHCM lên là an toàn nhưng sẽ rất lâu, trong khi kế hoạch là đánh án xong phải rút nhanh, tránh bị đánh úp. Cuối cùng, Thượng tá Lý Đại Bàng trổ tài “thợ khóa” ngồi bệt ôm chiếc két, áp tai vào cánh cửa nặng trịch. Tiếng bi sắt lăn lách tách giòn tan trong ổ khóa khá lâu. Rồi tiếng “tách” vang lên, cửa két bật mở… Heroin và USD chất đầy tủ. 

Suốt thời gian các trinh sát quần nhau với bọn tội phạm để tranh từng cơ hội sống và chiến thắng ở các “kho vũ khí”, tại sở chỉ huy, Phó giám đốc Phan Anh Minh ngồi im như pho tượng, chăm chú nhìn vào màn hình chiếc điện thoại để chờ một ánh sáng bật lên. Cuối cùng, đoàn quân PC47 chiến thắng trở về an toàn. Tướng Minh cười thành tiếng, hối hả đi tới đi lui bắt tay người này, người kia dưới khoảng sân ngả bóng chiều… Có lẽ, lần đầu mọi người thấy thủ trưởng mình cười nhiều đến thế. 

Đằng sau vẻ thô ráp ấy...

Với khuôn mặt khắc khổ, cách nói ngắn gọn, dứt khoát, cùng với chức danh Chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, làm cho người lạ dễ nghĩ rằng tướng Minh khô khan, lạnh lẽo, khó gần. Không đâu! ông là người nhạy cảm và nhân ái. Có lần tôi theo ông đến làm việc trong Trại tạm giam Chí Hòa, có người mẹ nghèo đi thăm con trai tù tội với cái giỏ nhẹ tênh, bước thấp bước cao trong sân trại tạm giam. Ông ghé lại hỏi thăm điều gì đó, rồi dấm dúi đưa bà mẹ ít tiền mua thêm quà cho con, “để đỡ tủi mẹ, tủi con”.

Hay chuyện vụ án 51,8 tấn bột ngọt của Nhà máy Thiên Hương (năm 1985) ồn  ào một thời. Chị Nguyễn Thị Ao (thủ kho) và  anh Sú Chí Sấm (quản đốc phân xưởng) bị ông Nguyễn Thiện Luân (Giám đốc Nhà máy Thiên Hương) ghép tội lấy trộm 51,8 tấn bột ngọt trong kho. Khi công an không tìm ra bằng chứng phạm tội nào của 2 người này, ông Luân quay sang quy chụp họ tội “phá hoại nhà máy”. Chị Ao, anh Sấm cùng gần chục người khác bị lôi vào một vụ án (tưởng tượng) liên quan đến an ninh quốc gia với mức án tuyên 10 - 20 năm tù cho mỗi người. Trong tù, họ nhờ người gửi đơn kêu oan.

Và, người nhận đơn kêu oan là Đại úy Phan Anh Minh, khi ấy là cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an TPHCM. Khi tiếp xúc, nhìn vào mắt họ, nắm tay họ, với trực giác của mình, ông tin họ bị oan. Vụ án được ông điều tra lại từ đầu và chứng minh được chị Ao, anh Sấm bị quy kết oan, vì không hề có ký bột ngọt nào được nhập kho! Hóa ra ông Luân báo án giả để lấp liếm số tiền ông ta đã làm thất thoát. Đại úy Phan Anh Minh làm báo cáo lên cấp trên, đề nghị hủy án, trả tự do và giải oan cho những công nhân người Hoa ấy. Đó là vụ án oan đầu tiên ông Phan Anh Minh xin đình chỉ, tuyên vô tội cho 2 người công nhân. Khi ở vị trí Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh lúc đọc hồ sơ án nào đó mà cảm thấy lợn gợn trong lòng, liền chỉ đạo điều tra lại. Và, đã vài chục vụ án được tướng Minh ký quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

43 năm tuổi ngành, 18 năm thực thi chức trách ở vị trí “đầu sóng ngọn gió”, Thiếu tướng Phan Anh Minh đã có những “nét vẽ” thật ấn tượng góp phần vào bức tranh đẹp về những chiến tích thời bình của lực lượng Công an TPHCM nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung