Khó, cực kỳ khó, đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, am hiểu sâu sắc về Đảng. Song song đó là cách triển khai tác phẩm sao cho “xứng tầm” đề tài. Vì vậy, nhiều nhà báo, phóng viên lẫn cộng tác viên có tâm lý e ngại khi tiếp cận và xử lý dạng đề tài này.
Viết về xây dựng Đảng có thể là “trận địa” cần phải được tuyên truyền sâu rộng trên báo chí và truyền thông. Câu hỏi đặt ra là viết gì, viết như thế nào?
Để động viên, khuyến khích, tạo sự quan tâm của phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc viết, sáng tác ngày càng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về xây dựng Đảng; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; đồng thời tạo động lực nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2016, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng ra đời. Sau 5 mùa thành công, giải đã đạt được mục tiêu đề ra. Người làm báo chuyên và không chuyên “háo hức” dấn thân vào đề tài xây dựng Đảng nhiều hơn trước.
Với 2 lần đoạt giải (giải Khuyến khích năm 2016 và giải C năm 2018), nhà báo Đặng Nguyễn Hạnh Châu (Báo An Giang) chia sẻ kinh nghiệm: “Xây dựng Đảng luôn được nhận định là đề tài “khô - khó - khổ”. Do đó, người viết cần tâm huyết, học hỏi kỹ năng lựa chọn đề tài, vấn đề cần phản ánh, nội dung đề cập, hình thức thể hiện và cách khai thác, xử lý thông tin. Tôi cố gắng tìm đề tài nổi bật, mang tính đặc trưng, phát hiện đề tài qua những lần về cơ sở; thành công trong công tác xây dựng Đảng, trong cuộc sống... Đặc biệt, đầu tư nghiêm túc, công phu, phản ánh đúng tình hình thực tế trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương để đảm bảo tác phẩm đạt chất lượng tốt”.
Tại An Giang, năm 2021, lần đầu tiên Giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh được tổ chức, cũng với mong muốn tạo điều kiện cho người làm báo chuyên và không chuyên tỉnh nhà tiếp cận, tham gia sâu vào đề tài này. Đồng thời, chấm chọn tác phẩm chất lượng gửi dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, người viết ít có điều kiện đi thực tế cơ sở phản ánh kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở địa phương, đơn vị. Chính vì thế, sau 4 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải chỉ nhận được 66 tác phẩm dự thi ở các thể loại. Từ đó, 36 tác phẩm được chấm chọn để trao giải.
Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức Giải, cuộc thi vẫn rất thành công, khi xuất hiện nhiều tác phẩm chất lượng về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, về củng cố tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở các địa bàn và các lĩnh vực cụ thể. Nhiều bài viết rất công phu, tâm huyết, được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu xác định đề tài, chủ đề, khảo sát thực tiễn đến cách thể hiện... Kết quả ấy càng khẳng định rằng, xây dựng Đảng là mảng đề tài phong phú, đa dạng, rất cần được khai thác sâu. Người viết báo ở địa phương có thể tạo ra tác phẩm hay, mà không cần “đao to búa lớn”, bàn chuyện vĩ mô.
Đầu tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua đó, cung cấp một số kỹ năng phát hiện đề tài, khai thác, xử lý thông tin, kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm về xây dựng Đảng; định hướng nội dung trọng tâm tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng; chia sẻ kinh nghiệm sáng tác tác phẩm tham dự Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.
Hội nghị đã cung cấp câu trả lời: viết về xây dựng Đảng khó hay dễ, viết gì và viết như thế nào. Nếu biết cách nắm bắt đề tài và triển khai phù hợp, thì không khó để cho ra đời 1 tác phẩm xây dựng Đảng chất lượng. TS Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm tham gia chấm Giải Báo chí về xây dựng Đảng: “Đề tài được đánh giá hay là phải “đúng” (chủ trương, chính sách, định hướng…), “trúng” (thời điểm, chỉ đạo, sự mong đợi của dư luận…) và “hấp dẫn” (vấn đề mới, sinh động, lôi cuốn…). Người viết phản ánh kịp thời các mặt nội dung công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới; phải có cái nhìn sâu, đi tới tận cùng vấn đề, không nên viết chung chung; thể hiện đúng đặc trưng loại hình, thể loại báo chí; đổi mới, sáng tạo trong cách thể hiện. Cần phải lập sơ đồ tư duy để phát triển ý tưởng bài viết”.
TS Trần Bá Dung thông tin thêm, người viết cần bám sát các nhiệm vụ xây dựng Đảng để tìm đề tài. Ví dụ như, xây dựng Đảng về chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định; xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là linh hồn của Đảng; xây dựng Đảng về tổ chức là cơ thể sống của Đảng; xây dựng Đảng về đạo đức là nội dung quan trọng; xây dựng Đảng về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác là điểm mới hiện nay…
Từng có tác phẩm đạt giải A trong Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, TS Lê Hải (Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản) bày tỏ: “Cách làm của chúng tôi là nghiên cứu dòng thời sự chủ lưu, tìm tòi vấn đề mới, phù hợp thực tiễn xây dựng Đảng hàng năm. Chọn được đề tài phù hợp, xem như thành công 50-60%. Điều cần làm tiếp theo là thật sự tâm huyết, dụng công triển khai (có khi phải mất từ 6 tháng đến 1 năm); thăng hoa trong sáng tạo tác phẩm. Ngoài tố chất thiên bẩm, cần rèn luyện bút lực từng ngày. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu thật sự yêu thích công tác tuyên truyền, dù “khô - khó - khổ” đến đâu, người viết vẫn sẽ chuyển tải tác phẩm xây dựng Đảng một cách hấp dẫn, lôi cuốn”.