Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại TP.HCM lúc 20h tối nay 19-11.
Tưởng niệm mất mát, nhắc nhở tương lai - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tìm lại kỷ vật của những bệnh nhân mất vì COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 để trao lại cho người thân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cùng lúc, lễ tưởng niệm cũng tổ chức tại nhiều địa phương.

Lễ tưởng niệm như một dịp để mọi người lắng lòng, xoa dịu những nỗi đau mất mát. Và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai.

* Bà Trần Đồng (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM):

Tưởng nhớ người ra đi là hành động nhân văn

Sài Gòn yêu thương đang dần hồi phục dù trên mình còn chi chít vết thương sau đại dịch COVID-19. Ai đã trải qua cơn thập tử nhất sinh, từng có người thân mất đi vì COVID-19 mới thấm thía được hết nỗi đau, khó có thể xóa nhòa.

Những ngày đau thương, tôi không thể nào quên những gia đình người thân, bạn bè quanh mình lần lượt ra đi. Có gia đình chỉ còn lại mẹ già với đàn cháu thơ dại. Đau lắm với hình ảnh người mẹ già gục đầu thẫn thờ trước 3 di ảnh của những đứa con. Với những người trong cuộc có lẽ không còn chỗ để đau thêm.

Trong cuộc chiến ấy, tôi bắt gặp thêm nhiều hình ảnh xúc động về sự hy sinh vì cộng đồng. Đó là hình ảnh người cha làm nhiệm vụ chống dịch chỉ dám đứng từ xa nhìn con rơi nước mắt. Đó là người mẹ - bác sĩ tuyến đầu thương nhớ con thơ với bầu sữa căng cứng. Và trong số ấy, có người đã mãi ra đi vì COVID-19...

Đại dịch đã cướp đi quá nhiều thứ, gây ra bao nỗi mất mát đau thương. Tưởng nhớ những người ra đi là hành động mang tính nhân văn cao cả. Đó cũng là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh, để mỗi người may mắn được sống hôm nay ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.

* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (trưởng khoa điều trị bệnh nhân ung bướu Bệnh viện dã chiến số 1 điều trị COVID-19 TP Thủ Đức):

Mong người dân nghiêm túc phòng dịch

Cả thành phố chỉ có mỗi bệnh viện chúng tôi tiếp nhận điều trị bệnh nhân ung thư mắc COVID-19. Thật nghẹn ngào trước những bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 ra đi trong cô đơn, không người thân bên cạnh. Trong khoảng thời gian cao điểm dịch bệnh, tôi và đồng nghiệp đã phải thay mặt gia đình bệnh nhân thực hiện các thủ tục sau khi họ qua đời. Đó là công việc chúng tôi chưa từng làm. Mỗi lần thực hiện là một lần ám ảnh nhưng chúng tôi cố gắng lo trọn vẹn với hy vọng an ủi phần nào cho gia đình, người đã mất.

Tôi nhớ có một bệnh nhân ung thư gan nhiễm COVID-19 lúc cuối đời thèm món cá rô phi chiên giòn. Các nhân viên y tế đã cố gắng thực hiện di nguyện nhưng đành bất lực khi cả thành phố phong tỏa, hàng quán đóng cửa. Cuối cùng bệnh nhân ra đi cùng với món cá rô phi chiên giòn mong ước mà chưa được thưởng thức.

Dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài. Tôi mong mỗi người dân nhìn từ hậu quả khốc liệt vừa qua để ý thức tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Còn chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc của mình, cứu sống được càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

* Bạn Nguyễn Hạnh Nguyễn (24 tuổi, Hà Nội):

Tưởng niệm để nhắc nhở

Lễ tưởng niệm như một sự nhắc nhở chúng ta không quên những người đã mất bởi COVID-19 và cũng là cơ hội để chúng ta sống chậm lại một chút, nhìn lại những mất mát mà chúng ta đã phải đón nhận và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Là một công dân thủ đô và hiện tại vẫn đang bình yên trong "cơn bão" đại dịch COVID-19, tôi thực sự rất biết ơn và muốn gửi lời chia sẻ, cảm thông tới những gia đình có nạn nhân tử vong vì COVID-19. Xin được cảm ơn những gia đình, những người mẹ, người vợ, chồng... đã đứng đằng sau những chiến sĩ, y bác sĩ, ủng hộ họ dấn thân đi vào tâm dịch. Rồi sau đó nhiều anh chị, cô chú đã ra đi và người thân đã gánh lấy mất mát, để người dân được vượt qua cơn bệnh.

Và điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm thời điểm hiện tại để trân quý sự hy sinh đó là tuân thủ tốt nguyên tắc 5K, luôn ý thức được rằng COVID-19 vẫn còn tồn tại, lẩn khuất, tuyệt đối không được chủ quan.

Tưởng niệm mất mát, nhắc nhở tương lai - Ảnh 2.

Anh Hà Ngọc Trường - bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi bệnh - xin được ở lại chăm sóc bệnh nhân, quét dọn, đưa bệnh nhân đi chạy thận... tại bệnh viện điều trị COVID-19 (tháng 8-2021) - Ảnh: TỰ TRUNG

* Anh Đặng Minh Tân (37 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM, F0 tình nguyện):

Cảm nhận đau thương để sống có ích hơn

Tôi là F0 may mắn vượt qua. Nhớ lại những ngày đầu nhập viện, thấy hình ảnh quá vất vả của các nhân viên y tế, tôi đã hạ quyết tâm phải gượng dậy sớm tham gia thiện nguyện. Góp chút sức mình để các nhân viên y tế có thêm thời gian làm công việc chuyên môn cứu sống được nhiều người bệnh hơn.

Từ chiều 20-8, khi được xuất viện, tôi đã viết "tâm thư" gửi giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn tình nguyện ở lại chống dịch thay vì háo hức đoàn tụ gia đình. Đó là những ngày tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, xen lẫn đau thương. Mỗi đêm chỉ chợp mắt vài ba tiếng, bởi tôi sợ ngủ quên không kịp cho bệnh nhân thở oxy, sợ họ cần những lời động viên giữa đêm khuya hoặc bất cứ điều gì nhỏ nhất trong tầm tay mà tôi không thể lo kịp.

Tôi nhớ một cặp vợ chồng ở Ninh Bình sau 21 năm vào TP.HCM lập nghiệp, niềm vui có được căn nhà để ở chưa bao lâu, người chồng mắc COVID-19. Mới ngày hôm trước còn khỏe, anh còn xúc động khi nghe tôi hát bài Bông hồng cài áo. Thế mà trưa hôm sau anh nắm chặt tay tôi giây lát rồi ra đi. Đau lắm! Với người bệnh COVID-19, chỉ cần gọi điện còn nghe tiếng nói là mừng, nhưng với anh thì không.

Lễ tưởng niệm này sẽ là dịp để cả những người còn sống cảm thấy bản thân mình thực sự may mắn. Chúng ta còn được sống, còn có gia đình, cha mẹ, con cái xung quanh. Điều đó có gì hạnh phúc bằng!

Nhìn về quá khứ đau thương để mỗi bản thân ta, đặc biệt là người trẻ, sống cuộc đời có ích hơn nữa cho người thân, gia đình và xã hội.

* Ông Lê Hải Kỳ (Đà Nẵng):

Xin cúi đầu mặc niệm đồng bào

Đại nạn COVID-19 đến nay vẫn còn tiếp diễn và chúng ta đã và sẽ vẫn phải mãi bền bỉ với cuộc chiến sinh tử cam go chưa có hồi kết này. Tôi xin cúi đầu mặc niệm đồng bào, đồng loại đã vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng xin sẻ chia, thấu cảm với đông đảo những người dân nghèo vì nghiệt ngã sinh tồn mà phải gạt nước mắt rời khỏi mảnh đất đã từng cưu mang cơm áo cho chính họ và tổ ấm bé mọn.

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với cơn cuồng nộ chưa từng có tiền lệ mang tên COVID-19. Lễ tưởng niệm là dịp để chúng ta nhớ về những người xấu số đã bất lực bỏ lại tất cả. Chúng ta dành phút tĩnh tâm này để tiếp tục vượt lên nỗi đau, sống có trách nhiệm hơn.

Tôi tin đi qua đại nạn, chúng ta có đủ bản lĩnh để nắm tay nhau vượt lên nỗi đau. Chúng ta biết trân quý và yêu thương sự sống quanh ta.

* Thượng tọa Thích Đức Thiện (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam):

Trong đau thương thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc

160 ngày chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa qua là những ngày cả nước cùng căng mình, nín thở dõi theo và sẻ chia, đồng lòng cùng TP.HCM. 

Song biến chủng Delta đã vô cùng nguy hiểm cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 đồng bào, trong đó phần lớn ở TP.HCM. Đây thực sự là tổn thất và mất mát vô cùng to lớn, là nỗi đau thương của tất cả chúng ta, nhất là những gia đình có người thân bị mất do dịch COVID-19.

Phật giáo với sứ mệnh cứu khổ chúng sinh trên cả hai phương diện độ sinh và độ tử đã không thể đứng ngoài nỗi đau của những người dân TP.HCM. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn và kêu gọi các chùa tổ chức cầu siêu, tiếp nhận tro cốt miễn phí với tinh thần từ bi, cứu khổ, độ sinh cho tất cả mọi người. 

Với người bệnh và những người trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung, tăng ni, phật tử các chùa đã ủng hộ nhu yếu phẩm, các suất cơm yêu thương, trang thiết bị y tế, bình oxy, túi thuốc F0, túi an sinh phát cho người dân. Các tăng ni cũng chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến, cặm cụi với những suất cơm đong đầy yêu thương kịp gửi tới các khu cách ly.

Không chỉ tổ chức các đại lễ cầu siêu vong linh tử vong do đại dịch COVID-19, tiếp nhận tro cốt nạn nhân tử vong trong đại dịch thờ cúng tại các chùa..., Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tổ chức các khóa tu ngày an lạc, khóa tu thiền online để trị liệu tinh thần cho những người bị ảnh hưởng, sang chấn tâm lý do dịch bệnh và thời gian giãn cách quá dài... 

Dịch bệnh đem đến vô vàn đau khổ, mất mát không gì bù đắp được nhưng cũng chính trong đau thương chúng ta thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thật cảm động của người Việt. Đó là niềm an ủi và sức mạnh lớn cho tất cả người Việt cùng vươn mình đứng dậy hôm nay.

19-11: Ngày tưởng niệm

np_dailekysieu_vietnamquoctu-74 1(read-only)

Các sư thầy tiến hành nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người đã mất vì COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* TP.HCM:

- Lễ tưởng niệm đồng loạt diễn ra tại hội trường Thống Nhất, số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1; thành phố Thủ Đức và các quận huyện.

- Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TP.HCM cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20h30 ngày 19-11.

- Ngoài nghi thức thắp nến tưởng niệm, tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20h35.

- Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... để tưởng niệm vào lúc 20h30.

THẢO LÊ

* HÀ NỘI

Người dân thủ đô được vận động tắt đèn và thắp nến lúc 20h30 ngày 19-11 để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Theo kế hoạch tổ chức của UBND TP Hà Nội, lễ tưởng niệm diễn ra tại công viên Thống Nhất lúc 20h, dự kiến kéo dài 30-45 phút, được truyền hình trực tiếp. Khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm cả đại diện những gia đình có người mất do Covid-19.

* CÁC NƠI:

Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết ngoài hai điểm cầu chính Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác, các tổ chức tôn giáo... có thể lựa chọn hình thức phù hợp để hưởng ứng.

Trong thời gian diễn ra lễ tưởng niệm, mặt trận đề nghị các cơ quan trung ương và địa phương hạn chế hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. Các đài truyền hình tạm ngừng phát sóng các chương trình này và ưu tiên tiếp sóng lễ tưởng niệm từ Đài truyền hình Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi tin tức về các hoạt động tưởng niệm được cập nhật thường xuyên trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) và cùng Tuổi Trẻ Online tưởng niệm vào lúc 20h hôm nay.

Điểm sáng hỗ trợ

258727333_1502079483492646_5620517310123787550_n
Nguồn Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trong những tháng dịch bệnh, từ Chính phủ đến các địa phương đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ bà con với nhiều chính sách, với số tiền hỗ trợ lớn chưa từng có.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - nhấn mạnh điểm sáng thời gian qua là Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ các nghị quyết triển khai an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn.

Tuy nhiên nguồn lực có mức độ nên diện bao phủ chưa như mong muốn, một số thủ tục còn mất nhiều thời gian, cá biệt có trường hợp chi không đúng đối tượng. Do đó Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét, rút kinh nghiệm làm sao hoàn thiện chính sách tốt hơn.

* Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đã có khoảng 10 triệu lượt người nhận hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 12.000 tỉ đồng. Ngoài ra, TP đã có chính sách hỗ trợ mai táng phí cho người mất vì COVID-19 với số tiền khoảng 17 triệu đồng được chi trực tiếp cho các đơn vị phụ trách. TP cũng đang tổ chức chăm lo cho người cao tuổi, trẻ em mất cha, mẹ, người nuôi dưỡng chính vì COVID-19.

* Đến ngày 17-11, Hà Nội đã hỗ trợ trên 1,9 triệu người lao động và người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo nghị quyết 68 với kinh phí hơn 1.200 tỉ đồng. Ngoài ra, Hà Nội có thêm gói hỗ trợ đặc thù cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số người trong diện này mà Hà Nội đã hỗ trợ là hơn 28 vạn người với kinh phí khoảng 282 tỉ đồng.

* Cần Thơ lo cho cả người dân về từ vùng dịch. Người dân Cần Thơ về từ các vùng dịch được xét nghiệm, lo tiền ăn và chi phí sinh hoạt trong thời gian cách ly y tế tại địa phương; đối với người cách ly y tế tại nhà được hỗ trợ 15kg gạo/người, hỗ trợ khẩn cấp với mức 500.000 đồng/người.