Sáng 19/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2021” dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh; các bộ, ngành, doanh nghiệp bán lẻ, ngân hàng…
Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” là nơi để các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp, chuyên gia… cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nội dung chính của hội thảo là 2 vấn đề: Toàn cảnh bức tranh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam – Hành trình tiến đến quốc gia không tiền mặt; chuyển đổi số trong ngành ngân hàng; với 2 phiên thảo luận.
Tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều quy định pháp lý, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ, như: Quy định hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); trình Chính phủ ký Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR, thẻ Chíp nội địa,..), tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán…
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối với các dịch vụ khác trong nền kinh tế thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng... Nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (mã QR), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động thông suốt, an toàn, bảo đảm sự kết nối và liên thông giữa các ngân hàng; đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện, 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298 nghìn điểm thanh toán POS…
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ; tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ...
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Cùng với đó, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng, bảo đảm hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đúng quy định, thông suốt, an toàn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tích cực phối hợp các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.