(PL)- Việc có quá nhiều thông tư hướng dẫn như hiện nay đã làm tăng số lượng văn bản quy phạm pháp luật, gây phức tạp cho việc tra cứu và thực thi pháp luật của người dân.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về công tác xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng.

Theo báo cáo, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 3-8, một thực trạng đáng chú ý được nêu ra là việc một nghị định có nhiều thông tư hướng dẫn.

Cản trở sự thông thoáng của hệ thống pháp luật

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ), tình trạng một nghị định có nhiều thông tư hướng dẫn dễ dẫn đến việc chồng chéo, làm phát sinh thủ tục hành chính, quy định không cần thiết, tạo ra rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, với việc có quá nhiều thông tư hướng dẫn như hiện nay đã làm tăng số lượng văn bản quy phạm pháp luật, gây phức tạp cho việc tra cứu và thực thi pháp luật của người dân. Cạnh đó, nó làm cản trở sự thông thoáng của hệ thống pháp luật và gia tăng chi phí, thời gian của người dân và xã hội, cần được khắc phục, chấn chỉnh.

Tại cuộc làm việc trên, các bộ, cơ quan đã nhận việc chậm trình văn bản quy định chi tiết cơ bản thuộc trách nhiệm, thiếu sót của bộ, cơ quan chủ trì. Theo đó, cách thức chỉ đạo, triển khai thực hiện của người đứng đầu tại một số đơn vị của bộ chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; thụ động, không tích cực đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý văn bản của các bộ, cơ quan đối với đề nghị của bộ, cơ quan mình để kịp thời bàn bạc, tìm kiếm sự đồng thuận khi có ý kiến, quan điểm giải quyết khác nhau. Cùng đó là chưa chủ động tìm kiếm, đề xuất giải pháp xử lý các văn bản có nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương.

Tại buổi làm việc, các bộ, cơ quan đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và cam kết tiến độ trình ban hành văn bản đang nợ đọng.

Cùng với đó là cam kết cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, nhất là thông tư, theo hướng một nghị định, các bộ chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn nhằm khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.

 

Xóa tình trạng một nghị định có nhiều thông tư - ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.  Ảnh: VGP

Lãnh đạo cần đi đầu trong dùng chữ ký số

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, đến cuối tháng 7, công tác xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo báo cáo, phần lớn các bộ cũng đã triển khai liên thông gửi, nhận văn bản các cấp hành chính. Một số bộ đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử (Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ...).

10 bộ nợ 26 văn bản. Trong tháng 7, tổ công tác đã có hai buổi làm việc với 10 bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tại thời điểm kiểm tra, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 26 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực... 

Cạnh đó, một số bộ đã tích cực triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp nhiều dịch vụ công thiết yếu, các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an (đối với thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), Bộ Xây dựng...

Tuy nhiên, còn một số dịch vụ công, thủ tục hành chính chưa hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổ công tác cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử.

Kinh tế số giúp giảm lây lan bệnh dịch

Kết luận phiên họp Chính phủ ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố, bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.