Đó là khẳng định của thầy giáo Trần Trung Hiếu (giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An) – đại diện nhóm tác giả của tác phẩm “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông” giành giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021.

Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng thầy giáo Trần Trung Hiếu.

Thẳng thắn trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm và có văn hóa

-Là nhà giáo duy nhất có tên trong danh sách tác giả, nhóm tác giả được nhận Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021, ông có cảm xúc gì muốn được chia sẻ?

muon thuc hien doi moi giao duc can co su tuong tac giua nha giao va nha bao hinh 1

Thầy giáo Trần Trung Hiếu (giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An) – đại diện nhóm tác giả của tác phẩm “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông” nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021.

+ Tôi là một nhà giáo hay viết bài đăng báo chứ không phải là một nhà báo. Hàng chục năm qua, cứ đến ngày 21/6, tôi vẫn thường nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tôi chưa một giờ học nghiệp vụ báo chí và viết báo chỉ bằng sự đam mê, ít khi bận tâm chuyện nhuận bút nhiều hay ít, và càng không nghĩ đến chuyện tranh giải này nọ.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021, tôi đã bàn bạc với nhà báo Ngô Khiêm (hiện công tác tại Tạp chí Xây dựng Đảng) và chúng tôi quyết định trải lòng những sự trăn trở bằng chùm bài phản biện 3 kỳ đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Với tác giả là phóng viên chuyên nghiệp thì việc có một giải báo chí toàn quốc là niềm vui lớn. Với tôi, một nhà giáo viết báo mà đoạt giải, được đứng trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận giải là một hạnh phúc lớn. Niềm vui sẽ được nhân đôi khi Lễ trao giải lại được diễn ra trước thềm của Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn khi trong buổi lễ trang trọng đó, tôi là nhà giáo duy nhất là tác giả trong nhóm tác giả có tác phẩm được đón nhận vinh dự này. Đó là động lực giúp tôi tiếp tục có thêm những cống hiến những gì trong khả năng có thể với vì nghề, với ngành trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện Ngành Giáo dục và Đào tạo. Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi nối duyên với báo chí. Cảm ơn các nhà báo đã tạo nên nhịp cầu với các nhà giáo để giúp chúng tôi chuyển tải những thông điệp tới công luận

- Loạt bài “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông” của nhóm tác giả đã thẳng thắn khai thác vào những vấn đề gai góc, nổi cộm của Ngành Giáo dục mấy năm gần đây mà có lẽ không nhiều giáo viên dám nói, dám viết. Là một nhà giáo, xin hỏi thật, ông có gặp áp lực gì khi viết những điều đó?

+ Xã hội ngày càng dân chủ, văn minh, càng cần có sự phản biện xã hội. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do khác nhau và sự chằng chéo nhiều mối quan hệ xã hội đã trở thành “vách núi lớn” để hạn chế những điều mà nhiều người muốn nói. Tôi thiết nghĩ, góp ý, phản biện là cần thiết nhưng phải nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng với người cần nghe. Thẳng thắn nhưng phải trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm và có văn hóa.

Quan điểm của tôi trong công việc và cuộc sống là luôn gắng biến áp lực thành động lực, biến thử thách thành vận hội để từng bước vượt qua. Với tôi, động từ “phản biện” khi viết báo mang ý nghĩa cho sự sẻ chia, tư vấn đầy trách nhiệm với ngành vì sự phát triển của Ngành chứ không phải là bới móc, đổ lỗi, cực đoan. Vì vậy trong nhiều năm qua, khi viết bài đăng báo hay trả lời phỏng vấn báo chí về chuyên môn hay giáo dục, cá nhân tôi không thấy có áp lực hay chịu áp lực nào cả.

Phải đánh giá đúng vai trò của báo chí

-Đọc chùm bài viết “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông” nhiều người đã thấy được sự tâm huyết của nhóm tác giả với Ngành Giáo dục và Đào tạo. Xin hỏi, ông mong mỏi gì qua loạt bài này?

muon thuc hien doi moi giao duc can co su tuong tac giua nha giao va nha bao hinh 2

Thầy giáo Trần Trung Hiếu ( ngoài cùng bên trái) nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021.

+ Có ba điều mà tôi mong mỏi và chờ đợi. Thứ nhất, mong lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo luôn đánh giá đúng vai trò tích cực của báo chí đã và đang đồng hành, dõi theo, đưa tin, góp ý và phản biện giáo dục nhiều năm qua. Bên cạnh những tác phẩm báo chí nêu gương người tốt, việc tốt, những nhà giáo vượt khó, vượt khổ ở nhiều vùng núi, vùng sâu, vùng xa để cống hiến cho Ngành, Báo Giáo dục & Thời đại (cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục & Đào tạo) cũng như nhiều tờ báo khác rất cần nhiều bài báo đăng tải những phản biện thẳng thắn, trách nhiệm.

Thứ hai, lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo và các địa phương hãy chủ động dành cho đội ngũ nhà giáo có nhiều cơ hội phản ánh, phản biện những vấn đề bất cập của giáo dục bằng nhiều kênh khác nhau. Đó mới là những phản biện trung thực nhất, khách quan nhất, thiện chí nhất và trách nhiệm nhất.

Thứ ba, từ những để xuất, kiến nghị, tham vấn của nhóm tác giả qua chùm bài “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông”, mong lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo từng bước bóc tách các vấn đề để điều chỉnh kịp thời và hợp lý những bất cập, bất ổn bằng các thông tư, văn bản, chủ trương, chính sách với giáo dục phổ thông. Tôi cho rằng, đổi mới là xu thế tất yếu, hợp quy luật nhưng đổi mới cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của từng vùng miền, từng địa phương. Mọi sự vội vã đều thường song hành sự mạo hiểm và luôn tiềm ẩn sự thất bại. Nhiều tác phẩm có chất lượng tham gia và giành giải đợt này là cơ hội để Ngành Giáo dục và Đào tạo nhìn lại những gì đã làm thông qua góc nhìn báo chí, từ đó có thêm nhiều thông tin và cơ sở để hoạch định các chính sách cho những chặng đường tiếp theo.

-Ông đã nhận được sự phản hồi như thế nào về loạt bài này từ các chuyên gia, những nhà giáo và độc giả nói chung?

+Tôi không dám nhận đây là tác phẩm báo chí xuất sắc nhưng chắc chắn nội dung của tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề bất cập của giáo dục phổ thông trong nhiều năm gần đây. Có thể, những gì mà tác phẩm báo chí này đã phản ánh thì rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đều biết, nhưng ít ai dám viết. Nên ngay từ khi Tạp chí Xây dựng Đảng đăng chùm bài này đã thu hút đông đảo bạn đọc là các chuyên gia giáo dục, nhiều nhà quản lý và giáo viên phổ thông đã hưởng ứng, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Có lẽ, bởi chúng tôi đã nói hộ nhiều người những nỗi niềm, trăn trở, nói thay nhiều người muốn nói nhưng không có cơ hội để nói hoặc không dám nói.

Quan điểm của tôi là muốn đổi mới giáo dục, thay đổi từng bước chất lượng giáo dục là phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, từ đó kiến nghị những giải pháp căn bản vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính chiến lược.

Ngành Giáo dục đang đổi mới, từ chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà có một số chủ trương, chính sách, văn bản của ngành khi triển khai trong những năm gần đây đã tạo nên nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Giáo viên đã cảm thấy mệt mỏi về sức lực và tâm lực, nhưng chất lượng và hiệu quả mang lại thì lại chưa tương xứng với công sức và tâm huyết của nhiều nhà giáo. Việc chúng tôi khai thác, luận giải, kiến giải nội dung chùm bài báo theo chuỗi vấn đề “tăng động lực, giảm áp lực” trong giáo dục phổ thông đã đáp ứng được sự quan tâm của đa số đội ngũ nhà giáo phổ thông. Mong muốn của họ là rất cần có sự điều chỉnh những bất cập, “giảm áp lực” để tạo niềm tin cho họ “tăng động lực” cống hiến cho nghề, vì ngành. Vì vậy có thể nói tác phẩm này đã thu hút nhiều sự quan tâm và đón nhận rất nhiều sự đồng thuận từ độc giả.

muon thuc hien doi moi giao duc can co su tuong tac giua nha giao va nha bao hinh 3

Thầy giáo Trần Trubng Hiếu và nhà báo Ngô Khiêm nhóm tác giả đoạt giải

-Ông đã nhiều lần lên tiếng rằng, Ngành Giáo dục muốn tốt lên thì phải sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện từ các chuyên gia, các nhà giáo và độc giả nói chung mà kênh phản biện hàng đầu hiện nay chính là báo chí. Xin ông hãy nói rõ hơn về vai trò của báo chí với sự phát triển của ngành nói chung, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay?

+ Trong thời của công nghệ 4.0, giáo dục muốn phát triển bắt kịp với kinh tế không thể thiếu vai trò của báo chí. Cá nhân tôi cho rằng, giá trị lớn nhất của báo chí nằm ở 2 vấn đề: thời gian đưa tin và tính trung thực của thông tin. Muốn thấy rõ vai trò, tác dụng và hiệu quả của báo chí với công cuộc đổi mới giáo dục thì cần có sự tương tác biện chứng giữa hai vấn đề: nhà giáo với nhà báo, giáo dục với báo chí. Với góc độ nhà giáo, tôi cho rằng chính đội ngũ các nhà giáo thông qua mạng xã hội là những nhà báo không chuyên để lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân ái của nghề.

Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai dạy học trực tuyến thời COVID-19, báo chí càng đóng vai trò vô cùng quan trọng, mang lại cho chúng ta thông tin nhanh, cập nhật hằng giờ, hằng ngày giúp các cơ quan quản lý giáo dục các cấp xây dựng, ban hành các chính sách có giá trị thực tiễn cũng như theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách trong thực tế. Bên cạnh đó, báo chí đã ghi nhận nhiều phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách, chuyển tải những thông điệp, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh, phụ huynh.

muon thuc hien doi moi giao duc can co su tuong tac giua nha giao va nha bao hinh 4

Thầy giáo Trần Trung Hiếu hiện là giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An.

Mong giáo viên luôn đồng hành cùng các nhà báo

-Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông có gửi gắm điều gì đến những người đang công tác trong Ngành Giáo dục và Đào tạo trên khắp cả nước?

+ Ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang đối mặt với nhiều thánh thức bởi tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Hình thức dạy học trực tuyến vẫn đang là hình thức dạy học chủ đạo ở nhiều địa phương. Thử thách, khó khăn và thời cơ, vận hội luôn đan xen nhau. Chỉ cần mỗi cán bộ quản lý, giáo viên luôn tâm huyết với nghề, trách nhiệm với ngành, tận tụy với học trò, chúng ta sẽ cùng chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để hoàn thành tốt thiên chức “Người lái đò” luôn vững tay chèo để miệt mài đưa những “chuyến đò” sang sông.

Qua đây tôi xin kính gửi tới những thế hệ thầy cô giáo cũ của tôi lời cảm ơn chân thành, sự ghi ơn sâu sắc tới các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Mong đội ngũ các thầy cô giáo phát huy tư duy phản biện, khả năng chuyển tải những ý nguyện, sự băn khoăn, trăn trở về nghề với ngành bằng các tác phẩm báo chí, góp phần cùng với anh chị em phóng viên báo chí trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện Ngành Giáo dục và Đào tạo. Chúc tất cả các đồng nghiệp của tôi trên mọi miền Tổ quốc luôn tìm thấy niềm vui từ nghề giáo và đón nhận nhiều hạnh phúc bình dị của nghề từ các thế hệ học trò cũ trong ngày mà xã hội tôn vinh, nhân dân tôn trọng và nhiều thế hệ học trò ghi ơn.

-Xin trân trọng cám ơn ông!