GS Trần Ngọc Thêm cho rằng môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi". Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"...
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các quy định hướng dẫn nhằm giảm bớt áp lực hành chính cho nhà trường, cho giáo viên, học sinh và khắc phục bệnh thành tích, hình thức, tiêu cực, gian lận trong học tập, đánh giá, thi cử; tăng cường sự tham gia của phụ huynh học sinh vào các hoạt động của nhà trường. Nâng cao năng lực phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của thầy cô giáo về đạo đức, trí tuệ, hành vi ứng xử.
Bà Ngô Thị Minh (thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
"Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định như vậy tại Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11. Với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT", hội thảo thu hút hơn 200 tham luận và nhiều ý kiến trực tiếp.
Đề cao tư duy phản biện, khai phóng
Theo GS Trần Ngọc Thêm, để chủ động và tự tin trong giao tiếp, người học phải rèn luyện tư duy phản biện để đặt câu hỏi và đối thoại với người dạy. Trong học đường, người học phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, để thoát ra khỏi áp lực của họ.
Muốn thế, GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng. Để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tư duy phản biện, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích tính theo điểm số, theo số lượng trò điểm cao, thi đỗ bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của người học.
"Nên loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò/con cái) và tính áp đặt ở người trên (thầy cô/cha mẹ). Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển" - ông Thêm nói.
Cũng chọn cách tiếp cận là những giá trị mới cần được bồi đắp cho lớp trẻ: sự tự chủ, tự trọng, trách nhiệm, sự trung thực, TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng môi trường học đường cần song song duy trì cả kỷ luật áp đặt và kỷ luật tích cực, trên nguyên tắc "không dán nhãn, chụp mũ", khích lệ học sinh tự lựa chọn cách ứng xử tích cực theo quy tắc được thầy, trò xây dựng,
"Cần kiên trì chấp nhận cả mặt mạnh và yếu của học sinh. Từ các hành vi cụ thể, cần tìm hiểu bản chất vấn đề, nguyên nhân để có thể thấu hiểu và hỗ trợ thay cho việc vội vàng phán xét và ép buộc một hình thức kỷ luật. Cách làm cứng nhắc chỉ khiến học sinh đối phó, xa rời chúng ta. Trên thực tế hiện nay có nhiều nhà trường chỉ muốn nhận học sinh có hồ sơ đẹp, nhưng lại không quan tâm đến việc nó có thực chất không" - TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.
Chúng ta đã quan tâm tới học đường chưa?
Ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đặt câu hỏi như vậy khi trước đó trong phát biểu của bà Ngô Thị Minh - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - điểm nhiều nội dung đã thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa học đường.
Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều quy định liên quan, trong đó có quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động nhằm cải thiện môi trường học đường.
Nhưng bà Minh cũng thừa nhận thực trạng ở một số nhà trường vẫn còn các cá nhân có hành vi lệch chuẩn đã làm hoen ố môi trường giáo dục, gây bức xúc trong xã hội. Việc tổ chức các phong trào thi đua, hưởng ứng các cuộc vận động của ngành giáo dục hay triển khai các chương trình, đề án ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn khô cứng, mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu…
"Chúng ta mới đang lấy điểm số, kết quả kỳ thi làm thành tích báo cáo, để đánh giá chất lượng. Việc giáo viên trong trường mâu thuẫn, giáo viên gây khó dễ với học sinh, học sinh và học sinh bạo lực... Những thứ rất thật như thế ảnh hưởng to lớn đến chất lượng trường học như thế, nghiễm nhiên không bao giờ được đề cập đến trong các báo cáo. Nên nếu bây giờ chúng ta thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên... để làm thành tích đánh giá, so sánh thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi" - ông Nguyễn Xuân Khang đề xuất.