Phần thưởng cho thí sinh vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” là học bổng tại Đại học Swinburne của Úc liệu còn đủ sức hấp dẫn khi tân vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 21 từ chối đi du học...

Bất cứ ai quan tâm đến VTV3 hẳn khó có thể bỏ qua “Đường lên đỉnh Olympia”, một sân chơi dành cho học sinh khối THPT. Mỗi năm gameshow này có 144 thí sinh dự thi nhưng chỉ có duy nhất một thí sinh vô địch năm nhận học bổng trị giá 35.000 USD (từ năm thứ 21 là 40.000 USD) tại Đại học Swinburne của Úc - Top 400 trường Đại học hàng đầu thế giới.

nham dich den la dinh olympia nhieu thi sinh da bo qua co hoi chinh phuc nhung dinh nui cao hon hinh 1

Tuy nhiên, sau 20 năm với 20 nhà vô địch lên đường sang Úc du học, thì ngay sau khi giành vòng nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 21, Nguyễn Hoàng Khánh đã từ chối không đi du học mà quyết định chuyên tâm ở lại học trong nước. Phải chăng Đại học Swinburne – điểm đến của các nhà vô địch Olympia hiện tại đã không còn đủ sức hấp dẫn với chàng trai ở thế hệ GenZ?

Chương trình 21 năm phát sóng đã lộ rõ nhiều bất cập

Ngày 21 tháng 3 năm 1999, VTV3 Đài Truyền Hình Việt Nam phát sóng số đầu tiên gameshow “Digital LG Quiz” bản quyền Hàn Quốc - với phiên bản Việt có tên gọi “Đường lên đỉnh Olympia”.

Nhìn lại 21 năm qua, VTV3 đã dẫn dắt 3024 thí sinh dự thi với 21 nhà vô địch năm trở thành các du học sinh Đại học Swinburne (Úc). Nhưng có lẽ không mấy người để ý “ngọn lửa Olympia” cùng với các hiệu ứng truyền thông của nó cũng đã “thiêu cháy cơ hội” của nhiều thí sinh Olympia được tiếp cận với các trường Đại học hàng đầu của Mỹ và thế giới với trị giá học bổng từ 280.000 USD đến 320.000 USD gấp 8-9 lần học bổng Đại học Swinburne trị giá 35.000 USD (từ 1999 đến 2020) bởi nhiều bất cập và hạn chế như sau:

Đầu tiên là “Đường lên đỉnh Olympia” là một gameshow truyền hình “trắc nghiệm kiến thức” cho học sinh THPT với phạm vi rất rộng bao trùm 14 môn : Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Công nghệ, Tiếng Anh, Văn, Sử, Địa, GDCD, Nhạc, Họa và Thể Thao. Điều này đi ngược với xu hướng giáo dục của Thế giới khi tách phân ban ở bậc THPT từ những năm 1960 và ở Việt Nam thống nhất phân ban từ 2006. Phạm vi kiến thức phủ khắp cả 14 môn học đòi hỏi thí sinh Olympia tốn rất nhiều công sức trong quá trình ôn luyện nhưng vô cùng lãng phí khi các kiến thức này hoàn toàn không ăn nhập với các câu hỏi vận dụng cao để phân loại thí sinh vào Đại học trong kỳ thi THPT Quốc gia, hay thi tuyển sinh du học SAT, ACT và hoàn toàn vô nghĩa khi thí sinh học Đại học hoặc các bậc học cao hơn.

Bên cạnh đó, thời gian tương tác trắc nghiệm của Olympia là “siêu nhanh” khác biệt với trắc nghiệm thi TSĐH Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, tại “Vòng 1: Khởi động” thí sinh Olympia nghe và trả lời từ 12 đến 15 câu hỏi trong 1 phút tức là chỉ có 4 đến 5 giây nghe và trả lời mỗi câu hỏi. Từ đó dễ nhận ra các câu hỏi của Olympia không kiểm tra năng lực hiểu sâu vấn đề hoặc năng lực nghiên cứu mà chỉ kiểm định trí nhớ và phản xạ hoặc chỉ là cấp độ 1 của suy luận Tư duy logic.

Chính vì sự khác biệt này mà các trường Đại học đẳng cấp không bao giờ tùy tiện “cấp học bổng” cho thí sinh vô địch năm của “Đường lên đỉnh Olympia”. Nếu các “nhà vô địch” có nhu cầu du học Mỹ hoặc bất cứ trường nào nằm ngoài Đại học Swinburne và Đại học Việt Nam thì vẫn phải có điểm thi SAT1, SAT2, TOEIC (hoặc ACT & IELTS) và thành tích thi Olympia chỉ là một trong các yếu tố tham khảo.

Mặt khác, yếu tố tự chọn trong Olympia rất phiến diện khi học sinh chỉ được lựa chọn “gói câu hỏi theo điểm số” mà không được lựa chọn môn học sở trường hoặc theo phân ban như vậy, yếu tố may rủi có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của phần thi.

Còn về cách ra đề thi câu hỏi IQ ở vòng 3 Tăng tốc trong Olympia có rất nhiều bất cập. Các câu hỏi IQ luôn xuất hiện ở các Gameshow trí tuệ và là yếu tố cơ bản để xác lập đẳng cấp của một Gameshow. Tuy nhiên, đội ngũ biên tập và cố vấn chương trình đã không ít lần để tình trạng sai sót trong đề thi tái diễn nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Tiêu biểu nhất là trận thi chung kết năm thứ 18 tổ chức vào ngày Quốc Khánh 2/9/2018,  câu 1 của vòng thi “Tăng tốc” đã được bê y nguyên từ  “Bài toán 12 bình nước” đã được phổ biến rộng rãi trên internet 13 tháng trước ngày thi diễn ra. Đây là một lỗi vi phạm bản quyền khó chấp nhận.

Một gameshow truyền hình bị “khoác tấm áo rộng hơn” so với thực tế

Trong 20 năm qua, gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” đã giúp nhiều học sinh nghèo ở mọi miền đất nước được sang Úc du học, nhưng chính “may mắn này” có thể đã tước mất cơ hội ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực của các “nhà vô địch Olympia” vào các trường Đại học Top đầu của Mỹ.

nham dich den la dinh olympia nhieu thi sinh da bo qua co hoi chinh phuc nhung dinh nui cao hon hinh 2

Trên thực tế, đa số học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam có định hướng du học Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến “Đường lên đỉnh Olympia”, vì bỏ công sức tối đa và may mắn nhất cũng chỉ nhận học bổng 35.000 USD của Đại học Swinburne Top 400 thế giới, chỉ bằng 15% so với học bổng của các trường Đại học Top đầu của Mỹ và nếu chỉ “về nhì Olympia năm”  thì cánh cửa du học gần như đã khép lại.

Vì vị trí là một gameshow truyền hình, một sân chơi trí tuệ dành cho học sinh cấp THPT, sau nhiều năm phát sóng, “Đường lên đỉnh Olympia” đã được truyền thông để trở thành một trong những “đỉnh cao” mà bất cứ học sinh hay ngôi trường nào cũng ước ao hướng tới. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh, thầy cô và nhà trường đã coi sân chơi này là một “đích đến vinh quang” khiến cho nó trở thành áp lực, gánh nặng đối với các em học sinh.

Bên cạnh những thành công, chương trình cũng bộc lộ nhiều thiếu sót về nội dung đề thi và đáp án với nhiều lần gây búc xúc dư luận. Những thiếu sót và hạn chế của “Đường lên đỉnh Olympia” càng được nhận diện rõ hơn khi so sánh với các gameshow khác như “Siêu Trí Tuệ Việt” (lên sóng HTV2 từ năm 2019 cùng với hàng loạt kỷ lục truyền thông bị phá vỡ trong đó có lượng truy cập gấp hàng chục lần “Đường lên đỉnh Olympia”).

Nhận diện đúng “Đường lên đỉnh Olympia”, các trường, gia đình có dự định cho học sinh tham gia vào sân chơi Olympia cần lưu ý: “Năng lượng và thời gian của mỗi người là một đại lượng hữu hạn, nếu bạn đã chót đam mê với Olympia thì bạn sẽ không còn đủ năng lượng chinh phục đỉnh cao SAT, ACT, TOEIC, IELTS để nhận học bổng các trường Đại học Top đầu của Mỹ và Thế giới, gấp 8- 9 lần học bổng Đại học Swinburne”.

Mặt khác, VTV3 nên cân nhắc, nếu không đổi mới sáng tạo toàn diện và chấm dứt hiện tượng “xào nấu câu hỏi từ các website quốc tế” thì nên dừng lại gameshow này ở đỉnh vinh quang giống như 11 quốc gia khác đã làm.