Cuộc đua không cân sức về thị phần của dịch vụ truyền hình trên internet (Over The top Television-OTT) giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã và vẫn đang diễn ra khốc liệt. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt buộc phải bứt phá để tồn tại và giành lại thị phần ngay trên chính “sân nhà”.
Truyền hình trên internet không còn là lĩnh vực mới tại Việt Nam với hơn 20 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động (trong số 35 doanh nghiệp truyền hình trả tiền). Theo các chuyên gia, Việt Nam còn được đánh giá là một thị trường tiềm năng khi lượng người thường xuyên truy cập internet dự báo sẽ ngày càng tăng, có thể đạt tới 92% vào năm 2023 (năm 2018 là 54%).
Ngoài ra, những năm gần đây, trong khi thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, ở mức tăng 4-5%, thì thuê bao truyền hình OTT tăng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với mức tăng tới 50%/năm. Theo số liệu tính đến hết tháng 8/2020, lượng thuê bao truyền hình OTT tăng với hơn 30 triệu lượt tải và đăng ký xem ứng dụng truyền hình trong nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào thị trường tiềm năng này nhưng thực tế, các doanh nghiệp truyền hình OTT nước ngoài đã chiếm tới hơn 50% thị phần trong nước với nhiều nền tảng lớn trên thế giới như: Netflix, YouTube, Amazon (Mỹ); Iflix (Malaysia); WeTV, IQIYI (Trung Quốc)... Không chỉ nhanh chóng “hút” một lượng thuê bao không nhỏ, các nền tảng xuyên biên giới này cũng lấy đi nguồn quảng cáo ít ỏi, đẩy các doanh nghiệp OTT trong nước đối diện nhiều thách thức. Không chỉ vậy, thị trường truyền hình OTT tại Việt Nam còn tồn tại một số bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, trong khi các nền tảng truyền hình OTT xuyên biên giới chưa bị ràng buộc bởi các vấn đề pháp lý thì các doanh nghiệp truyền hình OTT trong nước phải trải qua khâu “tiền kiểm” chặt chẽ về nội dung trước khi cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các doanh nghiệp OTT trong nước phải thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ khiến giá thuê bao của các dịch vụ OTT truyền hình trong nước khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.
Chính từ những nghịch lý và sức ép từ sự cạnh tranh thị phần, đòi hỏi các doanh nghiệp truyền hình OTT trong nước buộc phải bứt phá để tồn tại và giành được thế bình đẳng. Bên cạnh việc cần phải có một hành lang pháp lý đồng bộ, sự thay đổi từ chính nội lực của các doanh nghiệp trong nước là giải pháp hữu hiệu hơn cả. Theo đó, các doanh nghiệp OTT trong nước cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ, theo hướng ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa trên môi trường mạng để giảm sức ép từ truyền hình xuyên biên giới.
Một trong các yếu tố khiến các nền tảng dịch vụ của nước ngoài thắng thế là công nghệ và nguồn lực. Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư đẩy mạnh phát triển nguồn lực, nâng cao hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem. Đồng thời, cần xây dựng và phát triển nội dung hấp dẫn, đa dạng hơn, lấp đầy kho dữ liệu. Trong đó, yếu tố tiên quyết là nội dung phải mang tính riêng biệt và có bản sắc, để có thể cạnh tranh với các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới.
Thực tế, một số đơn vị OTT trong nước đã có những bước đi ban đầu, nhằm đẩy mạnh chất lượng phục vụ công chúng, nhất là trong thời gian giãn cách do dịch bệnh. Điển hình như Truyền hình FPT, tiếp tục bổ sung các bộ phim có nội dung hấp dẫn, phim thiếu nhi để phục vụ nhu cầu giải trí cho người xem. Cùng với đó, bổ sung nhiều chương trình dạy học online theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Phát triển nội dung theo hướng đa dạng, giàu bản sắc, độc quyền phát hành, đồng thời giám sát chặt chẽ để bảo đảm nội dung được cung cấp đúng định hướng, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam sẽ là hướng đi lâu dài, giúp các doanh nghiệp OTT trong nước thu hút thuê bao.