Chiều 24/11, tại Hội trường Diên Hồng nhà Quốc hội đã diễn ra phiên làm việc thứ 2 của Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau phát biểu chỉ đạo định hướng của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Hùng trình bày về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2030 với 4 mục tiêu chung, 8 mục tiêu cụ thể, 11 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đồng chí cho biết, Hội nghị văn hóa quy mô toàn quốc dự định sẽ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
Hội nghị đã lắng nghe các tham luận: “Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay” của GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; “Để văn hóa, văn nghệ soi đường cho quốc dân đi” của PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến hành động” của Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam; “Xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn hóa và con người Việt Nam” của Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chưa bao giờ câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” lại quan trọng và sâu sắc như lúc này. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển, nhưng khâu tổ chức thực hiện của chúng ta còn yếu kém, trong đó có vấn đề về nhận thức. Vì vậy chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa mà nền tảng là hạnh phúc của nhân dân. Cần tạo ra môi trường văn hóa cổ vũ cho cái mới, cái sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt để tất cả mọi tài năng được phát huy, bừng nở. Nói đến văn hóa còn là nói đến con người, nói đến con người là nói đến giáo dục, vì vậy việc đổi mới căn bản về giáo dục là công việc cấp bách. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta cần phải dành cho văn hóa nhiều thời gian và nhiều nguồn lực hơn nữa và đề nghị tất cả các hội văn học, nghệ thuật cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau hội nghị này có nhiều chương trình thiết thực, chắc chắn, lâu dài phát triển văn hóa, với niềm tin xây dựng nền văn hiến Việt Nam bừng sáng, hòa vào trong dòng chảy chung của nhân loại.