Đến Việt Nam lần đầu năm 2017, chị Kate và chồng đã phải lòng đất nước xinh đẹp này. Sau 4 năm kể từ chuyến đi đầu tiên, chị trở lại Việt Nam ngay trong chính thời khắc khó khăn nhất bởi đại dịch Covid-19.
Chị Kate Barlett (36 tuổi) hiện là Tùy viên Văn hoá tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Chị vừa đến Việt Nam vào tháng 8.2021 cùng chồng và hai con. Trong ngày Nhà giáo Việt Nam mới đây, chị đã hát bài Bụi phấn bằng tiếng Việt rất hay và tình cảm.
“Việt Nam là một nơi rất đặc biệt”
Chị Kate từng tham gia một chương trình giảng dạy tiếng Anh tại một trường trung học ở Indonesia. Chính từ đây, ước muốn được làm việc tại các quốc gia ở Đông Nam Á hình thành trong chị.
Năm 2017, chị và chồng có chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam với tư cách là khách du lịch. Một tuần tại đây đã mang đến cho hai vợ chồng nhiều cảm xúc và tình yêu đất nước này đã nảy nở trong cả hai.
Chị Kate thể hiện ca khúc “Bụi phấn” tri ân thầy cô giáo trong ngày 20.11 vừa qua NVCC |
“Chúng tôi đến đúng vào dịp Tết nên mọi thứ hơi khác bình thường một chút. Tôi và chồng đến thăm Hà Nội, nơi chúng tôi thưởng thức rất nhiều phở, bún chả và xem múa rối nước. Chúng tôi đến Vịnh Hạ Long rồi đi thuyền khám phá các hang động tuyệt đẹp. Mặc dù chuyến đi của chúng tôi rất ngắn. Nhưng điều đó khiến chúng tôi thực sự muốn quay lại Việt Nam trong thời gian dài hơn để thực sự trải nghiệm văn hóa và khám phá đất nước này”, chị chia sẻ.
Sau 4 năm, chị Kate và gia đình mới trở lại Việt Nam. Nhưng không may, tháng 8.2021 là khoảng thời gian Việt Nam đang rất căng thẳng với những tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Thật lòng, chị nghĩ rằng việc đến Việt Nam đúng thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến việc hoà nhập với văn hoá bản địa gặp nhiều khó khăn.
“Thông thường, điều đầu tiên bạn làm ở một quốc gia mới là đi dạo xung quanh khu phố của bạn và đến các nhà hàng, cửa hàng địa phương. Khi tôi đến, các nhà hàng, cửa hàng đã đóng cửa vì giãn cách xã hội. Vì vậy, tôi không có cơ hội gặp gỡ nhiều người Việt Nam. Công việc của tôi cũng khó khăn hơn vì không thể tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá hai nước trực tiếp”, chị Kate chia sẻ.
Chị Kate đảm nhận vị trí Tuỳ viên Văn hoá tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội NVCC |
Nhưng không vì thế mà chị hết cảm xúc và sự thích thú với văn hoá, con người nơi đây. Với chị, “Việt Nam là một nơi rất đặc biệt”. Đất nước có nền văn hoá đa dạng bản sắc. Mỗi tỉnh, mỗi địa phương lại có những phong tục tập quán, nghệ thuật và ẩm thực đặc biệt. “Tôi cảm thấy hào hứng khi được đi du lịch khắp đất nước và trải nghiệm nền văn hoá đa dạng này trong tương lai”, chị hào hứng nói.
Tiếng Việt là ngôn ngữ khó nhất
Trước khi đến Việt Nam, chị Kate đã học tiếng Việt trong 6 tháng tại Học viện Ngoại ngữ ở bang Virginia (Mỹ). Mỗi ngày, chị và các học viên sẽ học trực tiếp với giáo viên người Việt. Chị Kate cho biết, tại bang Virginia có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc. Tại đây, có nhiều nhà hàng bán món ăn truyền thống do chính người Việt làm chủ.
“Vào cuối tuần, tôi rất thích đi thử đồ ăn Việt Nam và thực hành tiếng Việt ở đó. Chúng tôi cũng đã có một chuyến thăm thú vị đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nơi chúng tôi đã được Đại sứ Hà Kim Ngọc và đội ngũ nhân viên đại sứ quán tiếp đón rất chu đáo. Tất cả những trải nghiệm này khiến tôi rất thích thú khi đến Việt Nam”
Kate Barlett
Người mẹ hai con hy vọng sẽ trải nghiệm, tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn về đất nước Việt Nam NVCC |
Với chị, việc tìm hiểu về văn hoá và học ngôn ngữ của một đất nước không phải trong một sớm, một chiều là xong. Chị đã tìm hiểu về văn hoá Việt Nam ngay sau chuyến đi năm 2017 cho đến khi đặt chân đến đây một lần nữa.
“Tôi rất ấn tượng sự phức tạp của tiếng Việt. Tôi đã học nhiều ngôn ngữ khác, nhưng thật sự với tôi tiếng Việt là ngôn ngữ khó nhất. Tôi hay mắc lỗi ngữ pháp và phát âm tiếng Việt. Tôi cũng không hiểu khi nào nên sử dụng từ “em”, khi nào dùng từ “chị”. Nhưng, tôi sẽ tiếp tục học hỏi. Người dân Việt Nam rất thân thiện và kiên nhẫn. Và tôi biết họ sẽ giúp tôi học ngôn ngữ và văn hóa của họ nhiều nhất có thể”, chị Kate chia sẻ thật lòng.
Một trong những động lực tìm hiểu Việt Nam của chị chính là hai người con. Theo mẹ đến Việt Nam, hai bé có những trải nghiệm cuộc sống đầu tiên ở một quốc gia châu Á. Mỗi khi đi dạo quanh Phố cổ Hà Nội, chị Kate thích nhìn vào mắt các con và bật cười khi bé thứ 2, mới 3 tuổi nói “xin chào” với mọi người xung quanh.
“Tôi yêu Việt Nam và giờ các con cũng cảm nhận được tình yêu đất nước này như tôi. Nó có hương vị ngọt ngào như trái xoài Việt Nam vậy”, chị cười tươi nói.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã càn quét khắp các tỉnh thành và đến giờ vẫn âm ỉ, len lỏi trong mọi ngóc ngách cuộc sống. Chị Kate bày tỏ sự tiếc thương cho hơn 23.000 người dân Việt Nam đã nằm xuống vì đại dịch. Bản thân chị cảm thấy tự hào khi được làm việc tại đại sứ quán và đã sát cánh cùng Việt Nam đối phó với đại dịch. Tính đến ngày 23.11, Mỹ đã tặng 16 triệu liều vắc xin cho Việt Nam và con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Trong lĩnh vực văn hóa, tôi đặc biệt hào hứng khi làm việc với chính phủ Việt Nam và các tổ chức địa phương về các đề xuất cho Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán năm nay. Kể từ năm 2001, Hoa Kỳ đã tài trợ hơn 1,2 triệu USD cho 16 dự án bảo tồn các di sản văn hóa trên khắp Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi biết được rằng những ý tưởng dự án mới trong năm nay đã được gửi đến”, Tùy viên Văn hóa Kate thông tin.