Trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 2021 khai mạc với 600 đại biểu, được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến xã, phường, thị trấn, sẽ rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm là xây dựng cho được môi trường văn hóa, trong đó có văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân. 

Thách thức lớn nhất hiện nay là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa, trong đó có đời sống văn hóa kinh doanh. Từ khi đất nước đổi mới đã giải phóng năng lực của cá nhân, tạo ra những doanh nhân năng động, dám nghĩ dám làm, từng bước đưa doanh nghiệp vươn ra thế giới. Nhưng kinh tế thị trường cũng tạo môi trường thuận lợi cho tình trạng suy thoái về đạo đức kinh doanh, nhiều doanh nhân không giữ được phẩm chất dẫn đến vấp ngã, phá sản.

Theo đánh giá của Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó với các tầng lớp xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

ttxvn-hoi-nghi-van-hoa-12-jpeg-2465-1637

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc. Nguồn ảnh: TTXVN

 

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy chính quyền, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội.

Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam đã được hình thành qua lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm. Những giá trị ấy cần được tiếp tục giữ gìn, bồi đắp và phát huy để không xảy ra sự nuối tiếc "bao giờ cho đến ngày xưa" bởi nhiều cái hay, cái đẹp của văn hóa, của dân tộc bị phai nhạt, mất dần.

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ có đầy đủ tính chất văn hóa có thể vận dụng trong kinh doanh, như "Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" nói lên sự tương trợ, tương thân tương ái", hay "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" nói lên sự hợp tác trong mọi mặt đời sống... Đấy là hệ giá trị quốc gia, là văn hóa, là đạo đức, là cội nguồn sức mạnh của con người Việt Nam mà doanh nghiệp cần vận dụng và phát huy.

Bên cạnh những giá trị, truyền thống được nhân dân đúc kết, còn là những giá trị văn hóa, tinh thần được các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa tổng kết và sáng tạo nên. Trong lĩnh vực kinh doanh, điển hình là danh nhân Lương Văn Can - người được mệnh danh là người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam với tư tưởng kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Trong lĩnh vực "thương đức" cách nay gần 100 năm, Lương Văn Can đã nhấn mạnh giá trị đạo đức trong kinh doanh, xây chữ đức trong đạo kinh doanh: kinh doanh phải hợp đạo nghĩa, phải có tâm có đức. Muốn có đạo đức và giữ gìn được đạo đức kinh doanh, người kinh doanh phải gắn liền việc doanh thương với phép tu thân, gắn liền doanh thương với đạo đức xã hội. Lương Văn Can đã sàng lọc những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc để đưa ra khuyến cáo: người kinh doanh phải có cái "tâm" trung thực, cái "đạo" công bằng. 

Ngày nay, kinh doanh trong một thế giới rộng mở, doanh nhân nào cũng có thể học được cái hay, cái đẹp của các doanh nhân, doanh nghiệp khác trong và ngoài nước. Nhưng văn hóa kinh doanh đặc trưng của từng doanh nghiệp luôn là nơi nuôi dưỡng và gìn giữ văn hóa dân tộc, là sức mạnh mềm để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Do vậy, phát huy và xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với các giá trị văn hóa dân tộc ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Kỳ vọng sau Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 2021, đội ngũ doanh nhân và lực lượng doanh nghiệp nhận thức đúng, sâu sắc, toàn diện quan điểm về văn hóa, cùng xác lập, xây dựng hệ sinh thái văn hóa, trong đó có văn hóa kinh doanh. Điều này rất quan trọng, bởi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, nhằm đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập.