TTO - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh yêu cầu vừa phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể, vừa siết chặt lại kỷ cương, 'lên dây cót' cả hệ thống, quyết tâm không để dịch bùng phát trên diện rộng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để quay lại giãn cách xã hội diện rộng - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp chiều 4-8 - Ảnh: Chinhphu.vn

Cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì chiều 4-8.

Tập trung vào điểm xung yếu

Phó thủ tướng cho rằng dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.

Điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất, bao gồm các bệnh viện, nhà dưỡng lão, khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có các bệnh nền điều trị dài ngày như hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo. 

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch; tuyên truyền tối đa hướng dẫn, chỉ định chuyên ngành cho phù hợp với tình hình mới.

Tinh thần là quyết không để làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra ở Việt Nam, không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Vì vậy, việc khoanh vùng thực hiện trên phạm vi nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải trong trạng thái bình thường mới để phát triển.

Không có bằng chứng dịch lây nhiễm mạnh ở cộng đồng

Trước đó, báo cáo tình hình, GS.TS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm kháng thể 5.000 mẫu (trên tổng số 7.000 mẫu đã được thu thập ở các khu cách ly và trong cộng đồng) cho thấy ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát từ đầu tháng 7-2020.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều, hiện có 6 ca cộng đồng và chưa có trường hợp nào lây từ bệnh nhân, còn lại đều là các ca liên quan 3 bệnh viện. Tại Hà Nội và TP.HCM cũng chưa phát hiện ca mắc cộng đồng, nên chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết đây là nguồn mới xâm nhập, từ 1 điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng)… Do virus lần này đã đột biến, dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.

Do đó, căn cứ tình hình dịch bệnh, tới đây Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng. Đồng thời tiếp tục "tăng quân" vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.

Dự báo sẽ còn ca tử vong, cả nước nâng ý thức phòng chống dịch

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Phải phát hiện thật nhanh, khoanh vùng thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thế. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Vừa qua trong hệ thống có lúc, có nơi chủ quan. Trong xã hội cũng có tâm lý chủ quan. Do vậy phải siết lại, không phải siết lại theo thời điểm mà phải có giải pháp để thực hiện liên tục cho đến khi thế giới hết dịch.

NGỌC AN