Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng tại khuôn viên công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng 30 ha tại Cao Phong, Hòa Bình.
Sáng 28/11, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) tổ chức lễ công bố cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. "Đây sẽ là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, nơi kể những câu chuyện về lịch sử khoa học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX thông qua những con người cụ thể", PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, chia sẻ.
PGS Huy cho biết sự kiện cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học là khái niệm còn mới mẻ.
Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ giúp công chúng hiểu được trong tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, đã hình thành nên những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp của họ cho khoa học và cuộc sống. Bảo tàng giới thiệu tới công chúng nhiều vấn đề của khoa học thông qua tài liệu, hiện vật, kết hợp với ký ức về các nhà khoa học là những nhân chứng đã trải qua các thời kỳ lịch sử. Đây cũng là nơi khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học.
PGS Huy kỳ vọng việc tìm hiểu lịch sử, giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học còn giúp tạo động lực, cảm hứng cho thế hệ trẻ. "Những di sản có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân mỗi nhà khoa học, mà còn là di sản của quốc gia, lịch sử dân tộc", PGS Huy nói.
Tòa nhà Bảo tàng sẽ được xây dựng trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng hơn 30ha ở Cao Phong, Hòa Bình. Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật, bút tích, sách và nhiều tư liệu của gần 2.000 nhà khoa học Việt Nam từ thế kỷ 20. Sau hơn 13 năm hoạt động, trung tâm lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trung tâm còn tổ chức trưng bày, triển lãm, xuất bản 2 bộ sách thường niên "Di sản ký ức của nhà khoa học" (8 tập), "Những câu chuyện hiện vật" (4 tập), 4 cuốn sách khác và hàng chục bộ phim về cuộc đời các nhà khoa học. Đây là cơ sở khoa học để trung tâm hướng tới quyết định thành lập bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam.
Tại buổi lễ, bảo tàng công bố đã tiếp nhận tư liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 do PGS.TS Lê Văn Truyền bàn giao. PGS.TS Lê Văn Truyền (sinh năm 1941) tại Huế, ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997).
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như "Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc", "Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu". Ông là phó chủ nhiệm dự án "Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng" - công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
PGS Truyền cho biết di sản và hiện vật của bảo tàng là một phần máu thịt của cuộc đời các nhà khoa học, chủ sở hữu di sản. "Giá trị của hiện vật chính là ở câu chuyện gắn liền với hiện vật", ông nói và thêm rằng "cuộc sống tinh thần" của hiện vật là do các nhà khoa học chủ sở hữu hiện vật tạo nên theo năm tháng và trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt.