Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thức về mức độ lây lan, nguy hiểm hơn các thể khác của biến thể Omicron. Tuy nhiên, TP vẫn đang chuẩn bị kịch bản ứng phó.
Chiều 29-11, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19. Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết số ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày của TP còn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, thế giới đang xuất hiện biến thể virus mới là Omicron đe dọa sức khỏe người dân.
Ông Hải khẳng định TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, nhiều tuần liên tiếp TP duy trì cấp độ 2 và đề nghị người dân không hoang mang nhưng đồng thời không được chủ quan, lơ là, giảm bớt thói quen tụ tập, la cà.
Chưa có tài liệu chính thức về độ lây nhiễm của Omicron
Về kịch bản ứng phó với biến thể mới Omicron, ông Phạm Đức Hải cho rằng dù đó là biến thể virus gì đi nữa thì cũng lây lan qua đường hô hấp nên người dân phải đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, TP cũng giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến biến chủng này, có vấn đề bất thường phải báo ngay.
"Đến giờ chưa biết biến thể mới là như thế nào. Chưa có tài liệu chính thức về mức độ lây lan, nguy hiểm hơn các thể khác của biến chủng này từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)", ông Hải nói.
Tuy vậy, ông Hải cho biết TP cũng chuẩn bị các kịch bản, xây dựng bệnh viện dã chiến, chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố y tế cơ sở... Đồng thời, TP tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa y tế công và tư, đông y và tây y, quân y và dân y trong ứng phó dịch.
Về biến chủng mới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - dẫn lại thông tin từ WHO, cho rằng chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn các biến chủng khác hay không.
WHO cũng chưa có câu trả lời chính xác những người nhiễm chủng Omicron có tình trạng bệnh nặng hơn so với khi nhiễm chủng khác hay không, bao gồm cả Delta. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, không hẳn xuất phát từ Omicron.
Các trường hợp nhiễm Omicron được báo cáo ban đầu là sinh viên đại học. Họ là người trẻ nên xu hướng mắc bệnh có thể nhẹ hơn, song, việc biểu hiện mức độ nghiêm trọng của bệnh khi nhiễm Omicron có thể sẽ mất vài ngày đến vài tuần.
TP.HCM chuẩn bị mở cửa trường học
Về phương án mở lại trường học, ông Trịnh Duy Trọng - đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết sở đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị công tác mở cửa lại trường học. Trong đó, các đơn vị tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy và học và phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, trong đó lưu ý phương án, tổ chức diễn tập xử lý khi có F0, F1 xuất hiện tại trường học.
Đến ngày 29-11, các quận huyện đã cơ bản tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 2 cho học sinh và bổ sung tiêm mũi 1 cho các học sinh chưa tiêm.
Nhân viên y tế nghỉ việc tăng lên
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết số nhập viện ở tầng 2, 3 đang thấp hơn tổng số giường hiện có. TP.HCM đang cố gắng không để tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Bà Mai cho biết năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng 10 tháng đầu năm 2021, có 968 trường hợp. Số nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế. Phần lớn vì lý do cá nhân, gia đình.
Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho biết công an đang phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp bán túi thuốc Molnupiravir. Bà Mai cho biết đây là loại thuốc để nghiên cứu lâm sàng, không phải thuốc bán ra thị trường.