Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Hiện có 2 địa phương tiếp nhận vắc xin từ lô Pfizer gia hạn 3 tháng là TP.HCM với 210.000 liều, Quảng Trị hơn 35.000 liều.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Đủ nguồn miễn phí, Bộ Y tế không khuyến khích doanh nghiệp mua vắc xin Covid-19. Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về "Hướng dẫn các địa phương mua vắc xin phòng Covid-19". Theo đó, đến ngày 16.11, số lượng vắc xin đã ký hợp đồng, có cam kết viện trợ, tài trợ trong năm nay khoảng 198,86 liều, trong đó số đã tiếp nhận khoảng 131 triệu liều. Số còn lại dự kiến về khoảng 67,86 triệu liều trong tháng 11 và 12. Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp nhận thêm vắc xin từ nguồn viện trợ, tài trợ và nguồn mua thương mại của doanh nghiệp.

Như vậy, tổng số lượng vắc xin nêu trên đã đáp ứng đủ để tiêm 2 liều cơ bản cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên và nhóm từ 12 đến 17 tuổi (hiện sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech) là 161 triệu liều. Số còn dư có thể sử dụng để tiêm mũi tăng cường, mũi 3 cho một số nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế. Do vậy, tại thời điểm này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép trước mắt không khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp mua vắc xin phòng Covid-19.

Tình hình Covid-19 hôm nay 2.12: TP.HCM, Quảng Trị nhận vắc xin từ lô Pfizer gia hạn  - ảnh 1

Học sinh ở TP.Đà Nẵng được tiêm vắc xin Covid-19

HUY ĐẠT

TP.HCM triển khai tiêm 210.000 liều trong lô vắc xin Pfizer được gia hạn 3 tháng. Ngày 2.12, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM có công văn gửi UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức; Phòng Y tế, Trung tâm y tế quận, huyện và Thủ Đức; các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP.HCM về sử dụng vắc xin Pfizer nhập khẩu lô 123002 gia hạn sử dụng 3 tháng.

Theo đó, lô 123002 áp dụng hạn dùng đến ngày 28.2.2022. Sau khi rã đông, vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C và sử dụng trong vòng 31 ngày (ngày rã đông 26.11.2021). Các đơn vị tiêm chủng tiếp nhận thông tin và tư vấn cụ thể đến đối tượng được tiêm, phụ huynh học sinh, người giám hộ, không để xảy ra tình trạng hiểu sai về hạn dùng của vắc xin. Theo thông tin PV Thanh Niên nhận được, TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Pfizer lô 123002 được gia hạn thêm 3 tháng với 210.000 liều.

 
Trường học TP.HCM rục rịch đón học sinh quay lại thích nghi an toàn với Covid-19

Quảng Trị đã nhận hơn 35.000 liều vắc xin Covid-19 trong lô Pfizer tăng hạn sử dụng. Ngày 2.12, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho hay tỉnh này được cấp 35,1 nghìn liều vắc xin Covid-19 loại Pfizer trong lô tăng hạn sử dụng và hiện đang lưu kho, chưa sử dụng. Địa phương này đang tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, sử dụng vắc xin Pfizer có hạn sử dụng đến tháng 2.2022. Với hơn 35.000 liều được cấp, Sở Y tế cho hay đủ để tiêm mũi 1 cho toàn bộ học sinh cấp 3 của tỉnh.

Dự kiến từ quý 4.2021 đến quý 1.2022, tùy theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Trị sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho gần 70.000 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Mục tiêu của tỉnh này là đạt trên 95% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19. Đến nay, Quảng Trị đã tiêm được trên 421.000 mũi 1 và 1,32 triệu mũi 2.

Thanh Hóa ghi nhận thêm 17 học sinh phản ứng nặng sau tiêm vắc xin. Chiều 2.12, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 31.11 đến trưa ngày 2.12, 27 huyện thị xã, thành phố đã tiêm vắc xin Pfizer mũi 1 cho trẻ từ 15 đến 17 tuổi. Trong quá trình tiêm, một số địa phương có trẻ xảy ra phản ứng sau tiêm, trong đó có 17 trẻ phản ứng nặng. Đến trưa 2.12, sức khỏe của 17 trường hợp phản ứng sau tiêm đã ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện của các địa phương.

Trước đó, ngày 1.12, Thanh Hóa đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đến đầu giờ chiều 2.12, các địa phương đã sử dụng 56.766 liều. Trong ngày 1.12, tại H.Hoằng Hóa có 86 trường hợp phản ứng sau tiêm. Hiện sức khỏe của 86 em này ổn định, nhiều em đã xuất viện.

Quảng Nam lên kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 140.000 trẻ em. Sáng 2.12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân vừa ký và ban hành hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng số trẻ em trong độ tuổi thuộc diện tiêm vắc xin là 140.387 trẻ. Mũi 1 được tiêm vào đầu tháng 12 và mũi 2 tiêm vào cuối tháng này.

Tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin tại tất cả trường học, xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh, sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin được phép sử dụng cho trẻ em từ nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho địa phương. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu 90% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.

 
HCDC hướng dẫn thủ tục chuyển tro cốt từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố

Dịch Covid-19 ở Cần Thơ đang ở mức nguy hiểm. Đến trưa 2.12, Cần Thơ ghi nhận thêm gần 500 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số F0 cộng dồn từ ngày 8.7 đến nay lên gần 28.000 ca, có 12.907 người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, 203 bệnh nhân tử vong. Hiện tại, số bệnh nhân nằm ở tầng 3 của Cần Thơ là 310 ca, trong đó 156 trường hợp nặng, nguy kịch. Tính riêng từ ngày 25.11 đến nay, Cần Thơ có hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 mới.

Trước đó, trong cuộc họp với các quận, huyện về phòng chống Covid-19, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng từ việc mỗi ngày có 1 - 2 ca tử vong, ngày 30.11 thành phố có 11 ca tử vong trong ngày là đáng báo động. Ông Mạnh yêu cầu, thành phố phải xác định dịch đang ở mức cao nhất, nặng nề nhất, nguy hiểm nhất. Toàn hệ thống chính trị cần tập trung toàn lực, ưu tiên bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết.

F0 phải thở máy ở TP.HCM gia tăng theo số ca mắc mới. Theo các báo cáo ngày của Sở Y tế TP.HCM, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tử vong đang gia tăng, trong đó có một số ca các tỉnh chuyển viện đến. Cụ thể, từ ngày 21.11 đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM ở mức từ 50 ca trở lên, ngày cao nhất là 77 ca (24.11), mới nhất là ngày 1.12 có 68 ca. Đa số ca tử vong đều có bệnh nền.

Ngày 21.11, TP.HCM có 2.559 ca nặng có hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 18,9% so với ca nhập viện tầng 2, tầng 3 (13.574 ca), chiếm 3,4% trên tổng số F0. Có 322 ca F0 thở máy xâm lấn, chiếm tỷ lệ 2,4% so với số ca nhập viện, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca F0. Đến ngày 1.12, TP.HCM có 3.089 ca nặng có hỗ trợ hô hấp (tăng 530 ca so với 10 ngày trước), chiếm tỷ lệ 12,7% so với số ca nằm viện tầng 2, tầng 3 (13.856 ca). Số ca thở máy xâm lấn tăng lên 404 ca (tăng 82 ca so với 10 ngày trước), chiếm tỷ lệ 2,9% so với số ca đang nằm viện và chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số F0.

 
Covid-19 sáng 2.12: Cả nước 1.252.590 ca nhiễm | Biến chủng Omicron chưa xuất hiện ở TP.HCM

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, học sinh lớp 1 ở TP.HCM tạm thời chưa đến trường học trực tiếp như kế hoạch. Chiều 2.12, hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 10 bế mạc sau 1,5 ngày làm việc. Về công tác giáo dục và đào tạo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị giữ vững chất lượng dạy và học; trước mắt thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện “bình thường mới” đối với lớp 9, 12. Quyết định này khác với kế hoạch trước đó của UBND TP.HCM về tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, giai đoạn 1 từ ngày 13 - 25.12, thí điểm dạy học trực tiếp 2 tuần đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12. Từ tuần thứ 2 là trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Từ ngày 27.12, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 2 tuần dạy trực tiếp và tham mưu UBND TP.HCM xem xét và quyết định mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3.1.2022.