Phát sinh khó khăn về thủ tục hành chính
Tại quận 4, thực hiện Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Ðức thuộc TP HCM, quận 4 đã tiến hành nhập phường 2 vào phường 5 thành phường 2; phường 12 vào phường 13 thành phường 13. Quận 4 giảm từ 15 phường còn 13 phường sau khi sắp xếp. Còn quận 5 đã tiến hành nhập phường 12 với phường 15 không đủ tiêu chí thành phường 12, từ 15 phường còn 14 phường.
Theo lãnh đạo các địa phương, thời gian đầu đã gặp một số khó khăn sau khi thực hiện sáp nhập. Bà Nguyễn Thị Bảo Trinh - Chủ tịch UBND phường 13, quận 4 - cho biết sau khi sáp nhập phường 12 vào phường 13 thì phát sinh một số vấn đề về thủ tục hành chính của người dân. Người dân ở phường 12 cũ khi cần làm thủ tục kết hôn, cần giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở quê nhưng đơn vị hành chính ở quê không nắm chủ trương sáp nhập, chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu, CMND nên giấy xác nhận lại ghi thông tin phường cũ là phường 12 thay vì phường mới là phường 13. Tương tự, Chủ tịch UBND phường 2, quận 4 Nguyễn Tiến Ðức cho hay sau khi sáp nhập phường, người dân gặp khó khăn trong việc làm thủ tục, nhất là người dân ở phường 5 cũ.
Nói rõ hơn về quá trình sáp nhập các phường trên địa bàn quận 4, Chủ tịch UBND quận Lê Văn Chiến cho biết ngay từ khi tiến hành, quận 4 đã xác định việc sáp nhập sẽ tác động tới đời sống của người dân, việc đi lại, làm thủ tục hành chính, an ninh trật tự. Do đó, quận đã lập tổ công tác do một phó chủ tịch quận trực tiếp đến các phường tiếp nhận các vướng mắc phát sinh cũng như lấy ý kiến các ngành dọc để giải quyết cho dân. Theo ông Lê Văn Chiến, trong giai đoạn đầu, khi lấy ý kiến cử tri về tên gọi của phường, đã có một vài luồng ý kiến không thống nhất vì người phường này không muốn đổi tên sang phường khác. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, giải thích đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. "Có nhiều người đặt vấn đề sao không có văn bản đổi tên từ phường này sang phường khác. Khi đăng ký kinh doanh, đóng tiền điện, nước vẫn đòi phải có cái gì chứng minh phường bây giờ là phường mới không, nhiều nơi vẫn đòi như thế" - Chủ tịch UBND quận 4 cho biết.
Về phía quận 5, Trưởng Phòng Nội vụ Trương Thị Em thông tin việc sắp xếp đã gây ảnh hưởng đến phần lớn người dân trong giai đoạn đầu thực hiện thủ tục hành chính khi đi giao dịch, phải chuyển đổi một số hồ sơ cá nhân cho phù hợp với tên gọi đơn vị hành chính mới. Về phía cán bộ bị dôi dư phải luân chuyển hoặc nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp mặc dù được quận làm công tác tư tưởng, giải quyết theo quy định nhưng cũng không tránh khỏi tâm tư.
Ðoàn giám sát của Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM làm việc với UBND quận 4
Cơ hội sắp xếp, nâng chất cán bộ
Nhìn lại một năm sau khi thực hiện sắp xếp, lãnh đạo 2 quận đều nhìn nhận đến nay tình hình đã dần đi vào ổn định, công việc thông suốt. Qua sắp xếp đã góp phần tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản nhân sự, tiết kiệm ngân sách, góp phần cải cách tiền lương; phát huy tính chủ động của địa phương.
Chủ tịch UBND quận 4 đánh giá qua một năm thực hiện đã mang lại hiệu quả lớn. Việc sắp xếp đã tiết kiệm được chi phí hành chính hơn 756 triệu đồng. Còn Trưởng Phòng Nội vụ quận 5 cho biết việc sắp xếp đã tạo điều kiện cơ cấu lại và bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phù hợp với tiêu chuẩn của từng nhiệm vụ được phân công. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách để đáp ứng yêu cầu công việc với tình hình hiện tại.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM đánh giá cả 2 địa phương đều thực hiện nghiêm túc, chủ động trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo các nghị quyết của Quốc hội. Quận 4 và quận 5 cũng làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân; công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức; bảo đảm tiến độ chung của TP HCM đề ra. Bà Văn Thị Bạch Tuyết nói điểm được của 2 quận khi thực hiện sắp xếp là tinh gọn được bộ máy nhưng công việc vẫn bảo đảm, việc của dân "vẫn chạy". Ngoài ra, có trường hợp tâm tư nhưng không có chuyện đơn thư, khiếu nại từ những cán bộ, công chức bị dôi dư sau khi sắp xếp. Bà Văn Thị Bạch Tuyết lưu ý địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của phường để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Nghị định 34/2019 của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố vẫn phải thực hiện. Nhưng với dân số đông và nhu cầu xử lý hành chính, rất áp lực đối với độ ngũ cán bộ, công chức hiện nay. "Nếu như có sự chia sẻ từ trung ương cho chủ trương, chủ động hơn về biên chế đối với TP HCM để thành phố tăng cường cho phường, xã trên địa bàn thì sẽ giúp cho cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn" - Phó trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM nhấn mạnh và đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất.
Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, nhìn nhận khi sáp nhập các phường thì không tránh khỏi việc số lượng hồ sơ hành chính sẽ tăng, có nơi gần như tăng gấp đôi. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên tắc của việc giải quyết thủ tục hành chính khi sáp nhập là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. "Sáp nhập là việc của cơ quan hành chính còn người dân phải được tạo điều kiện làm thủ tục" - bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.