Trong tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu cho các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 là 12.650 tỉ đồng, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung gần 3.650 tỉ đồng. Dự kiến sẽ điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 từ ngày 1-1-2022, mức điều chỉnh khoảng 7,4%, bảo đảm mặt bằng chung mức lương hưu thấp nhất là 2,5 triệu đồng.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận với chủ trương này, nhất là khi 2 năm qua, dịch Covid-19 tác động nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, đến mọi tầng lớp nhân dân. Với người chỉ sống bằng lương hưu thuần túy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nên tăng lương hưu cho nhóm đối tượng này là kịp thời, thỏa đáng.
Cần nói rõ thêm để lý giải về một vấn đề có tính lịch sử - xã hội của chính sách BHXH ở nước ta. Đó là do Luật BHXH chính thức áp dụng từ năm 1995, hình thức đóng BHXH bắt đầu từ năm này và bắt đầu thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng. Lúc đó, những người đang công tác trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước... nghiễm nhiên được công nhận thời gian tham gia công tác trước đó đến năm 1995 là thời gian đóng BHXH, để sau khi nghỉ việc, họ được tính để hưởng lương hưu, trợ cấp tương ứng thời gian làm việc.
Việc điều chỉnh tăng thêm cho đối tượng này là hợp lý hợp tình, nhất là khi họ đều ở vào tuổi "gần đất xa trời" (nếu tính đúng đủ tuổi nghỉ hưu nữ 55, nam 60 và nghỉ hưu từ năm 1995 thì nay họ đều ở tuổi 81 với nữ và 87 với nam). Họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương vì tuổi tác, dịch bệnh, do đó, dù phải tạm ngưng cải cách tiền lương nói chung do những tác động của dịch Covid-19, nhóm đối tượng này vẫn được ngân sách hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn trong đời sống.
Giải quyết một vấn đề có tính lịch sử một cách thấu đáo như trên là rất đáng hoan nghênh, là giải pháp linh hoạt, mang tính chia sẻ và bền vững. 26 năm qua, chính sách BHXH đi dần vào đời sống, ngày càng trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, giúp người thụ hưởng được an tâm và bảo đảm tương lai.