Những dấu hiệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể ít nguy hiểm hơn biến thể Delta, theo giới chức y tế Mỹ.
Cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, Tiến sĩ Anthony Fauci phát biểu trên CNN rằng các nhà khoa học cần thêm thông tin trước khi đưa ra kết luận về độc lực của biến thể Omicron, nhưng dữ liệu từ Nam Phi cho thấy không có "mức độ nghiêm trọng lớn" đối với chủng virus mới.
Trong khi biến thể Omicron đang trở thành chủng virus thống trị ở Nam Phi, số người nhập viện vẫn chưa tăng một cách đáng báo động.
Tiến sĩ Fauci cho biết: “Cho đến nay, có vẻ biến thể Omicron không quá nghiêm trọng. Nhưng chúng ta thực sự phải cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào rằng nó ít nghiêm trọng hơn hoặc nó thực sự không gây ra bất kỳ bệnh nặng nào so với biến thể Delta".
Tiến sĩ Fauci nói thêm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với những người không phải là công dân nhập cảnh vào Mỹ từ một số quốc gia Châu Phi. Những quy định này được áp đặt khi biến thể Omicron bùng nổ trong khu vực, nhưng bị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ trích là "phân biệt chủng tộc về đi lại".
"Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể dỡ bỏ lệnh cấm đó trong một khoảng thời gian hợp lý. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất tồi tệ về khó khăn không chỉ đối với Nam Phi mà các quốc gia Châu Phi khác" - Tiến sĩ Fauci nói.
Tính đến ngày 5.12, biến thể Omicron đã được phát hiện ở khoảng 1/3 tiểu bang của Mỹ, bao gồm ở Đông Bắc, phía Nam, Great Plains (Đại bình nguyên Bắc Mỹ) và Bờ Tây. Wisconsin và Missouri là hai trong những bang mới nhất xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được cử đến để giúp đỡ các bệnh viện bị áp đảo ở phía tây New York.
Các quan chức Mỹ tiếp tục kêu gọi mọi người tiêm phòng và tiêm nhắc lại, cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi ở trong nhà với người lạ, nói rằng mọi biện pháp giúp bảo vệ khỏi biến thể Delta cũng sẽ giúp bảo vệ khỏi các biến thể khác. Nhưng Delta vẫn là biến thể thống trị, chiếm hơn 99% số ca mắc và làm tăng số ca nhập viện ở miền bắc.
Ở Anh, 246 ca nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện cho đến nay sau khi tăng hơn 50% trong một ngày. Điều này có thể một phần là do xét nghiệm có mục tiêu đã được thực hiện ở các khu vực bị ảnh hưởng. Anh đã áp dụng một số biện pháp để ứng phó với biến thể mới, bao gồm các quy tắc đi lại chặt chẽ hơn, bắt buộc đeo khẩu trang ở một số địa điểm nhất định. Tuy nhiên, các quy tắc sẽ được xem xét lại sau ba tuần.
Biến thể Omicron gây quan ngại vì nó có số lượng đột biến protein gai, tổng cộng 32 đột biến - gấp đôi so với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Số lượng đột biến của Omicron dẫn đến lo ngại rằng biến thể này có thể né vaccine và miễn dịch, mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.
Nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết, ngay cả khi Omicron ít nguy hiểm hơn Delta, nó vẫn là một vấn đề. Bà nói: “Ngay cả khi chúng ta có một số lượng lớn các trường hợp bị nhẹ, một số người trong số đó sẽ cần nhập viện. Họ sẽ cần phải chăm sóc đặc biệt và một số người sẽ chết. Chúng ta không muốn thấy điều đó xảy ra trong bối cảnh vốn đã khó khăn khi biến thể Delta lưu hành trên toàn cầu".
Hai năm sau khi bùng phát, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,2 triệu người trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Mỹ là 780.000 người và số tử vong đang tăng lên khoảng 860 người mỗi ngày.
Hơn 6.600 trường hợp nhập viện mới đang được báo cáo hàng ngày, theo dữ liệu theo dõi từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong ở Mỹ đã giảm khoảng một nửa kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 8 và tháng 9, nhưng với hơn 86.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, con số này vẫn ở mức cao, đặc biệt là vào những ngày lễ, khi mọi người đi du lịch và tụ tập với gia đình.
---------------------------------------------
Chuyên gia y tế hàng đầu Nam Phi tin rằng biến thể Omicron có thể tự suy yếu, báo hiệu sự kết thúc của COVID-19.
"Trong cái rủi có cái may"
Các chuyên gia y tế Nam Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định, bày tỏ hy vọng rằng sự gia tăng số lượng lớn số ca mắc COVID-19 trên khắp đất nước sẽ không dẫn đến gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Thậm chí, một chuyên gia hàng đầu Nam Phi còn tin rằng biến thể Omicron có thể báo hiệu "sự kết thúc của COVID-19" - tờ NZ Herald đưa tin.
Các chính phủ trên khắp thế giới phản ứng thận trọng trước sự xuất hiện của Omicron. Nhiều quốc gia áp dụng lại các hạn chế về biên giới trong khi chờ xem liệu số lượng lớn các đột biến của biến thể Omicron có khiến nó trở nên nguy hiểm hơn các dạng biến thể COVID-19 trước đây hay không.
Rõ ràng, thế giới đang lo lắng. Nhưng có thể Omicron không độc hơn, hoặc có lẽ ít độc hơn so với các biến thể COVID-19 trước đó, theo Tiến sĩ Richard Friedland, CEO Netcare Group - tổ chức điều hành mạng lưới y tế tư nhân lớn nhất Nam Phi, bao gồm hơn 50 bệnh viện.
Nam Phi đang ở giữa làn sóng COVID-19 thứ tư. Trong ba đợt trước, tỉ lệ lớn dương tính COVID-19 dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại tương tự về số người nhập viện trên toàn mạng lưới của Netcare.
Lần này, Friedland nói, điều đó dường như không xảy ra. Ông cho biết: “Nếu trong làn sóng thứ hai và thứ ba, số lượng bệnh nhân nhập viện tỉ lệ thuận với số lượng ca mắc, thì lần này điều đó không xảy ra. Vì vậy, tôi thực sự nghĩ rằng trong cái rủi có cái may trong làn sóng thứ tư, và điều này có thể báo hiệu sự kết thúc của COVID-19, nó tự suy yếu đến mức rất dễ lây lan nhưng không gây ra bệnh nặng. Đó là điều đã xảy ra với bệnh cúm Tây Ban Nha".
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã giết chết khoảng 25-50 triệu người. Đến năm 1920, nó đã phát triển thành một dạng ít gây chết hơn đáng kể, về cơ bản chỉ gây ra bệnh cúm thông thường.
Bác sĩ Friedland cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến những ca lây nhiễm bùng phát ở những người đã được tiêm phòng, nhưng những ca nhiễm bệnh mà chúng tôi đang thấy là rất nhẹ đến trung bình. Vì vậy, các nhân viên y tế, những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường, hầu hết đều bị triệu chứng nhẹ. Tôi nghĩ rằng toàn bộ điều này đã được truyền thông quá kém nên đã tạo ra rất nhiều hoảng sợ. Đây mới là những ngày đầu chúng ta gặp biến thể Omicron, nhưng tôi bớt hoảng sợ hơn".
Đối phó đại dịch COVID-19 tương tự cúm
Ông Friedland đã đưa ra những nhận xét đầy hy vọng tương tự trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh 567AM của Nam Phi vào đầu tuần này. Ông nói: “Nếu chúng ta có thể có được một biến thể thay thế biến thể Delta mà không gây bệnh nặng, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đối phó với đại dịch tương tự như cúm. Đây có thể diễn tiến tương tự những gì chúng ta đã thấy với bệnh cúm Tây Ban Nha, rằng cuối cùng nó không tự hết mà trở nên kém độc lực hơn rất nhiều".
Bác sĩ Friedland không đơn độc trong sự lạc quan thận trọng của mình. Ví dụ, nhà miễn dịch học Shabir Madhi, một chuyên gia từ Đại học Witwatersrand của Nam Phi, nói với Nature rằng ông dự kiến sẽ thấy "sự gia tăng số ca mắc bệnh" do biến thể Omicron, nhưng "tỉ lệ ca bệnh trong cộng đồng không tương ứng so với tỉ lệ nhập viện".
Theo ông Madhi, các bằng chứng giai thoại cho đến nay cho thấy hầu hết các ca lây nhiễm Omicron chỉ dẫn đến các triệu chứng nhẹ. “Đối với tôi, đó là một tín hiệu tích cực” - ông nói.
Tuy nhiên, hiện tại, có rất ít dữ liệu chắc chắn về biến thể Omicron. Các nhà khoa học đang cố gắng đưa ra kết luận chắc chắn về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và khả năng né tránh vaccine của nó.
Biến thể này được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24.11 từ Nam Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng tuyên bố đây là một biến thể đáng lo ngại, dựa trên bằng chứng sơ bộ rằng nó lây lan nhanh hơn các chủng khác.
"Một số biến thể đáng lo ngại cuối cùng hóa ra không nghiêm trọng như lo ngại và do đó không còn được xếp vào loại biến thể đáng lo ngại. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về Omicron và chưa biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đại dịch" - theo khuyến cáo của chính phủ Australia.
"Chúng tôi đang theo dõi tình hình phát triển ở nước ngoài và hợp tác chặt chẽ với WHO. Chúng tôi có mạng lưới rất chặt chẽ với các chuyên gia y tế và khoa học trên khắp thế giới và chúng tôi đang tìm hiểu về biến thể mới này trong thời gian thực. Bằng chứng sơ bộ chỉ ra rằng Omicron có thể chỉ dẫn đến các triệu chứng nhẹ ở hầu hết những người mắc bệnh. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy những loại vaccine mà người Australia đã sử dụng kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện hoặc tử vong do Omicron. Chúng tôi đang làm việc để tìm hiểu xem các loại vaccine hiện được chấp thuận sử dụng ở Australia có hiệu quả như thế nào trong việc bảo vệ mọi người trước những tác động của biến thể này" - khuyến cáo của chính phủ Australia cho hay.
Trở lại Nam Phi, Tiến sĩ Marc Mendelson, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cape Town nói: “Hãy đặt tay lên trái tim và nói với cả thế giới rằng: Đừng lo lắng, điều này sẽ nhẹ nhàng thôi. Hy vọng luôn luôn tốt đẹp, nhưng đừng đặt hết mọi thứ vào điều này, bởi vì tôi nghĩ rằng hy vọng của bạn có thể bị tiêu tan".