Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm, gợi mở một số giải pháp, cơ chế, chính sách của TP trong việc chuyển đổi số báo chí TP.HCM.
 
Hôm nay 23-12, tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” do Hội Nhà báo TPHCM, Sở TT-TT TPHCM và Hội Tin học TPHCM đồng phối hợp tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Trước thềm tọa đàm, PV Báo SGGP ghi nhận một số vấn đề đặt ra về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tìm hướng đi cho chuyển đổi số báo chí

Theo Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, các cơ quan báo chí ở TPHCM đã quan tâm đầu tư phát triển ấn bản điện tử có số lượng lớn bạn đọc truy cập. Một số cơ quan báo chí đã xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ web, Facebook đến Tiktok, YouTube, giúp nhiều tờ báo lớn của TPHCM tăng mạnh tính tương tác với độc giả. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành. 

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM nhận định, các nỗ lực chuyển đổi số nêu trên đã góp phần giúp các cơ quan báo chí thành phố dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh, trung thực, khách quan, không bị gián đoạn…

“Tuy nhiên, hiện các cơ quan báo chí thành phố vẫn đang loay hoay với nhiều câu hỏi: Báo chí thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào, mô hình nào là phù hợp? Cơ chế hỗ trợ của thành phố đối với báo chí trong chuyển đổi số? Báo chí cần đồng hành như thế nào với đối tác để cùng phát triển? Do vậy, buổi tọa đàm kỳ vọng tìm lời giải đáp các vấn đề này, đặc biệt là đề xuất những giải pháp khả thi nhằm giúp cơ quan báo chí TPHCM đẩy nhanh và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số”, ông Trần Trọng Dũng cho biết.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, thành phố đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chương trình này, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DX Center) để giới thiệu các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TPHCM (SOC) để giúp các cơ quan báo chí giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.

“Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu lãnh đạo thành phố chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí như hệ thống nền tảng dùng chung, chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí”, ông Lâm Đình Thắng nói.

Gợi mở những vấn đề tương lai

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các cơ quan thông tấn báo chí, mở ra khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi thông tin liên tục của thời đại, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy.

Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững ảnh 1
Phối cảnh Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến phóng viên; không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung mà thậm chí là toàn bộ hoạt động của một tòa soạn, kể cả hoạt động quản trị, kinh doanh… đều phải đi theo hướng chuyển đổi số thì mới gọi là quy trình chuyển đổi số thực sự.

Gợi mở thêm, ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề, trong 2 năm nay, người ta nói đến công nghệ Extended Reality (XR), còn gọi là thực tế ảo mở rộng, và mới nhất là Facebook giới thiệu tầm nhìn của Metaverse - vũ trụ ảo, nơi mọi người làm việc, vui chơi, học hỏi và kết nối với bạn bè, gia đình. Theo nhiều nghiên cứu, thế giới ảo này cũng như XR sẽ thành hiện thực trong 3-5 năm nữa.

“Khi thế giới phát triển theo hướng này, chúng ta sẽ không đọc báo, không xem tivi, không theo dõi nội dung số theo cách thức hiện nay; không sử dụng máy tính, không sử dụng điện thoại theo kiểu đang dùng... Với những sự thay đổi mang tính đột phá ấy, chúng ta chưa định hình được là gì trong vòng 3-5 năm tới thì khá khó khăn cho các cơ quan báo chí”, ông Lê Quốc Minh dự báo.

Ông Mai Ngọc Phước, TBT Báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng muốn chuyển đổi số tốt các cơ quan báo chí cần phối hợp xây dựng hệ thống bảo vệ bản quyền tốt hơn trên không gian mạng.

Cần chuyển đổi số ngay trong bộ máy

Theo Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng, nếu không chuyển đổi số kịp thời, các cơ quan báo chí không thể cạnh tranh với thông tin nhanh chóng, đa chiều của mạng xã hội, không thích ứng với sự thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của công chúng.

Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững ảnh 2
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng
Như vậy, báo chí khó thực hiện hiệu quả nhiệm vụ truyền tải thông tin phục vụ việc xây dựng, phát triển xã hội và hệ thống chính trị. Bằng việc tự động hóa quy trình làm việc và xử lý nâng cao như ứng dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, các cơ quan báo chí có thể kết nối, ghi nhận và lưu trữ thông tin nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu, thói quen, sở thích của từng độc giả; mang đến những trải nghiệm sản phẩm truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn, nhằm đáp ứng thị hiếu thông tin đang thay đổi nhanh chóng của công chúng.

Để thực hiện những việc này, các cơ quan báo chí cần thực hiện chuyển đổi số trong bộ máy của mình, nhằm làm thay đổi theo hướng tích cực cách tổ chức hoạt động, quy trình làm việc, văn hóa truyền thông, hoạt động tòa soạn, từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung, phát hành…