Tham dự có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được xét tặng 2 năm một lần đối với 7 lĩnh vực, bao gồm: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế); lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh); lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước); lĩnh vực 4 (truyền thông); lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật); lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật); lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo). Đây là giải thưởng nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống, tiềm năng sáng tạo của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, khẳng định năng lực sáng tạo của người dân TPHCM góp phần xây dựng và phát triển TPHCM trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 2 năm 2021 được UBND TPHCM phát động vào ngày 30-9-2020. Giải thưởng đã tiếp nhận 195 hồ sơ đăng ký tham gia. Trong đó: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế): 4 hồ sơ; lĩnh vực 2 (quốc phòng, anh ninh): 4 hồ sơ; lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước): 36 hồ sơ; lĩnh vực 4 (truyền thông): 13 hồ sơ; lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật): 32 hồ sơ; lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật): 68 hồ sơ; lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo): 38 hồ sơ.
UBND TPHCM giao các cơ quan phụ trách 7 lĩnh vực của giải thưởng phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng và Cơ quan Thường trực Ban tổ chức Giải thưởng thực hiện đưa tin tuyên truyền về danh sách các hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng để bạn đọc và các tầng lớp nhân dân thành phố có ý kiến phản hồi đến Ban Tổ chức Giải thưởng về các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Qua nhiều kỳ họp xét chọn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM đã xét chọn 50 công trình để trao giải. Trong đó, có 3 giải Nhất, 15 giải Nhì và 32 giải Ba. Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức còn xét chọn trao 8 giải sáng tạo trong số 16 giải pháp nộp hồ sơ trong phòng chống dịch Covid-19, gồm: 1 giải Nhất, 5 giải Nhì và 2 giải Ba. Đây là sự ghi nhận, biểu dương của thành phố dành cho những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cơ quan, đơn vị, các ngành, lĩnh vực của thành phố trong phòng chống dịch Covid-19.
Các công trình đạt giải Nhất gồm
1. Công trình “Be Group - Hệ sinh thái mở, khởi nguồn cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo “make in Viet Nam”” của Công ty CP Be Group. Đây là Ứng dụng gọi xe Be cung cấp dịch vụ đa dạng, bao gồm 6 dịch vụ. Lăn bánh trên thị trường từ tháng 12-2018, chỉ sau 6 tháng (6-2019), Be giữ thị phần thứ 2 về gọi xe tại Việt Nam. Đạt trên 10 triệu lượt tải trên kho ứng dụng Google Play và App Store; 270 doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng Be; tiếp nhận trung bình 350.000 yêu cầu gọi xe mỗi ngày. Công trình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế.
2. Công trình “Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM” của nhóm tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Hoàng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Phó Chính ủy; Đại tá, Ths. Trần Vinh Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Chính trị; Đại tá Trần Văn Mạnh, nguyên Phó Tham mưu trưởng; Đại tá Nguyễn Văn Em, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần; Thượng tá Phạm Văn Hội, Trưởng ban Khoa học Quân sự; Đại tá Phạm Công Chững, nguyên Trưởng ban Ban Khoa học Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố và Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị; Đại tá, TS. Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Trưởng phòng Phòng Khoa học Quân sự, Học viện Chính trị.
Công trình nghiên cứu đã đề xuất luận cứ khoa học để Thành ủy TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM trong thời kỳ mới. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang thành phố cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, anh ninh.
3. Tác phẩm Xiếc Tre “À Ố Show” của nhóm tác giả: ông Tuấn Lê, ông Nguyễn Nhất Lý, ông Nguyễn Lân Maurice, ông Nguyễn Tấn Lộc, Công ty CP Lune Production. Tác phẩm “À Ố Show” trình bày các hoạt cảnh đời sống của làng quê Nam bộ yên ả đầy chất thơ và của thành thị ồn ào vui nhộn. Các kỹ năng biểu diễn, các kỹ xảo nghệ thuật sẽ được tổ chức khai thác theo nhóm, phù hợp với môi trường sinh hoạt của từng hoạt cảnh. “À Ố Show” đã có hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, phục vụ hơn 300.000 khán giả trong nước, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cùng du khách quốc tế đến từ hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật.
4. Ngoài ra, giải Nhất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch thuộc về công trình “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ sàng lọc nguy cơ, tư vấn chăm sóc y tế cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại nhà” của nhóm tác giả: ông Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; ông Lê Tuấn Thành, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Liên, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Hương, Công ty Beon/ BetterCre; ông Vũ Mạnh Cường, Bộ Khoa học Công nghệ; ông Lương Việt Nguyên, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Giang Thiên Phú, Công ty Gadget; ông Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Trọng Tài, Trường Đại học Y Hà Nội; ông Nguyễn Trung Linh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Sơn, Bệnh viện Việt Đức, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội; bà Lương Huyền My, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Thầy Thuốc trẻ Hà Nội.
Điểm nổi bật trong hoạt động của Mạng lưới Thầy Thuốc đồng hành là ứng dụng công nghệ và điều phối nguồn lực cộng đồng để tư vấn, hướng dẫn và chia sẻ với người mắc Covid-19, với sự tham gia của hơn 10.028 lượt thầy thuốc và tình nguyện viên đăng ký, trong đó có hơn 6.300 thành viên hoạt động tích cực ngày đêm hỗ trợ người dân trong vùng dịch. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã mở rộng mô hình hỗ trợ Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.
Tại buổi giao lưu, đại diện nhóm tác giả thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục chia sẻ, công trình “Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM - Giải pháp đột phá và sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của ngành Giáo dục và Đào tạo” hiện đang kết nối hơn 2.000 cổng thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, công trình đã tạo sự liên kết các dữ liệu, từ đây, phụ huynh, học sinh có thể tìm kiếm các nội dung liên quan đến dạy và học, các clip học tập,…. Cổng thông tin đã đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nhất là khi TPHCM đang trong giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19.