Với sự nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt trong điều hành, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách có sức tác động đặc biệt lớn trong công cuộc chống dịch và hồi phục kinh tế trong năm 2021.
Bước ngoặt trong thực hiện “mục tiêu kép”
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận: “Đại dịch COVID-19 không chỉ đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới cũng chưa từng có tiền lệ. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến tất cả mọi mặt kinh tế - xã hội, thậm chí là cả tâm lý… Vì thế, chưa bao giờ Chính phủ lại đứng trước thử thách cam go, mang tính “sinh tử” như lần này, đòi hỏi phải quyết đoán cao, sát với tình hình biến đổi nhanh của dịch và đúng thực tế của từng vùng”.
Một trong những quyết sách lớn của Chính phủ khóa XV là ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; báo cáo cấp có thẩm quyền và Ủy ban thường vụ Quốc hội để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; trình cấp có thẩm quyền sớm triển khai miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức theo hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là tăng cường các hoạt động trực tuyến…
Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, quyết sách vô cùng quan trọng nữa mà Chính phủ đưa ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay phải kể đến việc từ bỏ chiến lược “zero COVID-19” (không có COVID-19) sang chiến lược thích ứng an toàn, “sống chung” với đại dịch.
“Đây là “trận chiến” trải dài khắp 63 tỉnh, thành, không trừ một địa phương nào. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng… Với sự linh hoạt, sáng tạo, Chính phủ đã thay đổi chủ trương là dần thích ứng với hoàn cảnh. Quyết định có tính chất bước ngoặt nhất trong thích ứng đó là, chuyển từ chiến lược “không có COVID-19” sang thích ứng an toàn, “sống chung” với COVID-19. Như vậy, phải đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ là chống dịch và phát triển sản xuất, mở cửa thị trường, mở rộng nền kinh tế”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.
Phù hợp và kịp thời
Sau một thời gian triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời. Việt Nam đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vắc-xin cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro.
Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nét khởi sắc từ tháng 10/2021 đến nay. Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới tăng 11,6% và vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD; xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa; tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tại Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới), ngày 29/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng với thông điệp chính sách mạnh mẽ khẳng định nỗ lực và quyết tâm Việt Nam về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp; đây cũng là thời điểm Chính phủ và doanh nghiệp cần tăng cường quan hệ đối tác công - tư để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Tất Thắng đặt kỳ vọng: “Chính phủ đang đóng vai trò tổng chỉ huy “trận đánh” với “kẻ thù vô hình”, luôn biến đổi khó lường. Thế nhưng, với sự đồng lòng, thống nhất, quyết tâm của hàng ngàn “pháo đài” thì nhất định chúng ta sẽ giành chiến thắng, khẳng định bản lĩnh, nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Việt Nam”.
Đợt dịch này chưa từng có trong lịch sử, phá hủy rất nhiều quan hệ kinh tế - xã hội. Chúng ta đã phải tập trung nhiều nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc, do vậy đã đạt được những kết quả nhất định. Chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể nói là rất tích cực từ phía Chính phủ và Quốc hội. Gần như Chính phủ đã nhìn thấy hầu hết những ách tắc, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Đầu tiên, vướng mắc trong luật lệ, Chính phủ đã có những văn bản hướng dẫn, tháo gỡ. Còn vấn đề nào “đụng” đến Luật thì Chính phủ cũng có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, rồi trình trước Quốc hội để tháo gỡ, thông qua. (ĐBQH Lê Thanh Vân) |