Một người quen vừa bán xong ngôi nhà thổ lộ, nhân viên phòng công chứng mà anh tới làm giấy tờ đã rất nhiệt tình tư vấn: “Nhà nước có quy định mức giá sàn cho giao dịch nhà, đất ở từng khu vực. Mức giá này được nhiều địa phương công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, nên đưa ra mức giá trên mức giá sàn một chút để vừa không “thiệt”, vừa không tạo ra sự nghi ngờ cho ngành chức năng”.
Đã có không ít khách hàng, đặc biệt là những người bán nhà đất “thấy” cách tư vấn trên “quá hay” vì ít ra cũng giảm nhẹ phần tiền phải đóng thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 2%/tổng giá trị giao dịch. Ngoài ra, còn nhiều loại phí, lệ phí khác được tính theo tổng giá trị giao dịch. Không chỉ công chứng mua bán, mà ngay cả trong các hợp đồng công chứng cho thuê nhà, đất, nhiều công chứng viên cũng tư vấn cho khách hàng mức giá “đủ để né thuế hoặc chí ít nếu có phải đóng thuế, cũng là mức thấp nhất”.
Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo nhiều chuyên gia, trung bình mỗi năm trên cả nước có hàng triệu giao dịch bất động sản… Chỉ cần 50% trong số này có hành vi gian lận, trốn thuế, nhà nước đã thất thu hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chấn chỉnh lại tình trạng này là việc phải làm. Do đó, động thái đề nghị rà soát và xử lý nghiêm hành vi trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Bộ Tài chính rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, để xử lý triệt để, không chỉ rà soát và xử lý nghiêm mà còn cần bổ sung các giải pháp khả thi, chế tài răn đe đủ mạnh.
Có thể bắt đầu từ việc xem xét lại mức giá sàn trong giao dịch nhà, đất ở nhiều địa phương. Mức giá này cần tiệm cận hơn với mức giá trên thị trường và nên được điều chỉnh thường xuyên. Bởi chỉ nhìn ở góc độ lạm phát, mỗi năm giá nhà, đất cũng đã có biến động. Giá sàn càng gần thực tế thì càng hạn chế được tình trạng trốn thuế. Cùng với đó là “siết” chặt hoạt động công chứng hợp đồng mua bán, cho thuê bất động sản. Với giá trị thường rất lớn của bất động sản, hầu hết người giao dịch sẽ chỉ “yên lòng” khi hợp đồng mua bán, cho thuê được công chứng. Do đó, nếu các phòng công chứng cương quyết không làm 2 hợp đồng với 2 mức giá khác nhau thì người thực hiện giao dịch sẽ rất khó để né, trốn thuế. Một khi phát hiện hành vi trốn, né thuế, phải xử lý nghiêm để không ai còn dám vi phạm pháp luật. Tất cả những động thái này, đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu. Thế nhưng, muộn… còn hơn không!