Nga bắt đầu căng thẳng với Ukraine từ đầu tháng 11/2021 sau động thái điều quân gần biên giới, rồi leo thang thành ngòi nổ xung đột với Mỹ và NATO.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 3/11/2021 bất ngờ cáo buộc khoảng 90.000 binh sĩ Nga đang tập trung tại khu vực cách biên giới Ukraine khoảng 260 km. Ảnh vệ tinh do Maxar công bố cho thấy 1.000 phương tiện cơ giới Nga, gồm xe tăng, thiết giáp chở quân, pháo tự hành, tập trung tại thị trấn Yelnya, cách biên giới Ukraine khoảng 250 km về phía bắc.
Động thái tập trung quân của Nga diễn ra trong bối cảnh Moskva áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Kiev. Nhiều quan chức Nga trước đó đã đưa ra cảnh báo với Ukraine, trong đó Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mọi hoạt động tăng cường hiện diện quân sự của NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ "vượt lằn ranh đỏ với Nga".
Một tuần sau, NATO ngày 10/11/2021 cảnh báo Nga về "hành vi gây hấn" sau khi Mỹ phát hiện "các đợt điều động quân nhân và khí tài bất thường" của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine.
Tổng thống Putin khi đó cáo buộc phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine và tiến hành các cuộc diễn tập quân sự "khiêu khích Nga".
Ukraine ngày 28/11/2021 cho rằng Nga sẽ phát động cuộc tấn công tổng lực với 92.000 quân vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Nga bác bỏ thông tin và khẳng định có quyền triển khai quân đội tới bất cứ đâu trong lãnh thổ nước này để phòng thủ.
Đầu tháng 12/2021, Nga cáo buộc Ukraine tập trung lực lượng ở khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông, đồng thời yêu cầu NATO đưa ra đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine không bao giờ được kết nạp vào liên minh.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ "giáng đòn kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp khác" nếu Putin phát động chiến dịch tấn công Ukraine. Putin tiếp tục đưa ra yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông.
Ngày 16/12/2021, Liên minh châu Âu (EU) và NATO cảnh báo về "những hậu quả chiến lược to lớn nếu Nga phát động tấn công nhằm vào toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Sau đó một ngày, Nga công bố đề xuất an ninh 8 điểm với Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu NATO rút quân khỏi các nước thành viên gia nhập liên minh sau năm 1997 và không kết nạp Ukraine vào khối.
Mỹ và Nga ngày 28/12/2021 thông báo tổ chức đàm phán về an ninh châu Âu nhằm hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine. Tổng thống Biden ngày 2/1 trấn an Ukraine rằng Mỹ và các đồng minh "sẽ đáp trả một cách quyết đoán" nếu Nga tiến đánh quốc gia Đông Âu.
Cao ủy EU phụ trách vấn đề đối ngoại và an ninh Josep Borrell ngày 5/1 cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine. Ba ngày sau, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về yêu cầu rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, cũng như như các hoạt động diễn tập quân sự của hai nước.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ, Nga và NATO bắt đầu tuần hội đàm căng thẳng tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 10/1, song không đạt được đột phá do bất đồng quan điểm.
Ukraine ngày 14/1 hứng đợt tấn công mạng khiến các trang web quan trọng của chính phủ nước này bị sập. Ukraine tuyên bố phát hiện được manh mối cho thấy Nga có thể đứng sau đợt tấn công này, nhưng Moskva bác bỏ.
Quân đội Nga ngày 7/1 bắt đầu được triển khai tới Belarus để tham gia đợt diễn tập chớp nhoáng mà Moskva cho biết "nhằm đối phó hành vi hung hăng từ bên ngoài". Các quan chức Mỹ cho biết quy mô lực lượng Nga điều tới Belarus "vượt quá những gì chúng tôi dự đoán về một cuộc diễn tập bình thường". Hai ngày sau, Mỹ thông báo tăng thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Biden ngày 19/1 đưa ra phát biểu "sơ sẩy" khi nói rằng NATO sẽ lúng túng và không biết cách phản ứng nếu Nga tiến hành "cuộc xâm nhập nhỏ" vào Ukraine. Một ngày sau, ông tìm cách "chữa cháy" bằng tuyên bố bất cứ chiến dịch tấn công nào của quân đội Nga "đều là hành vi xâm lược".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/1 cho biết đã đề nghị người đồng cấp Nga Sergey Lavrov chứng minh nước này không có kế hoạch xâm lược Ukraine. Mỹ sau đó hứa sẽ trả lời bằng văn bản với các đề xuất an ninh của Nga.
Cùng ngày, các thành viên NATO từng thuộc Liên Xô là Estonia, Latvia và Litva thông báo sẽ gửi tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine để họ tự vệ, sau khi được Mỹ bật đèn xanh.
Nga cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng nhất" nếu Mỹ tiếp tục phớt lờ quan ngại an ninh chính đáng của nước này xung quanh vấn đề Ukraine. Nga cũng yêu cầu NATO rút quân khỏi Romania và Bulgaria, song liên minh từ chối.
Giới chức Anh ngày 22/1 cáo buộc Nga "đang tìm cách đưa lãnh đạo thân Moskva lên nắm quyền ở Kiev" và lên kế hoạch cho một cuộc tấn công. Nga bác cáo buộc, gọi đây là thông tin sai lệch và kêu gọi Anh "ngừng phát tán những điều vô nghĩa". Ukraine sau đó tuyên bố sẽ chống lại ảnh hưởng của Nga với chính trị và kinh tế nước này.
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine ngày 23/1 yêu cầu gia đình các nhân viên ngoại giao ở Kiev rời khỏi quốc gia Đông Âu "do mối đe dọa liên tục từ nguy cơ một cuộc xâm lược", đồng thời cảnh báo công dân không tới Nga. Một ngày sau đó, Anh rút một số nhân sự và gia đình nhân viên ngoại giao ở Kiev, trong khi Pháp khuyến cáo công dân không tới Ukraine nếu không cần thiết. Đức và Australia ngày 24/1 thông báo với Ukraine về kế hoạch rút một số nhân viên ngoại giao và những người phụ thuộc khỏi Kiev do quan ngại về động thái của Nga.
Các đồng minh NATO đặt lực lượng ở trạng thái sẵn sàng, đồng thời điều tiêm kích và chiến hạm tới khu vực Đông Âu để tăng cường phòng thủ. Mỹ thông báo 8.500 binh sĩ nước này trong tình trạng "báo động cao độ", có thể được điều động tăng cường cho Lực lượng Phản ứng của NATO nếu cần. Các đơn vị này được yêu cầu sẵn sàng xuất quân trong 5 ngày nếu có lệnh triển khai.
Tuy nhiên, Jeff Hawn, chuyên gia tại Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London, cho rằng bất chấp những động thái quyết liệt gần đây, các bên đều đang để ngỏ giải pháp ngoại giao và một cuộc chiến không nhất thiết phải xảy ra. "Cả hai bên đều cần phải nỗ lực tham gia vào con đường ngoại giao và giảm tông, nếu không nguy cơ về một cuộc xung đột toàn diện sẽ trở nên rõ ràng hơn", Hawn nói.