Trong dòng xoáy phát triển, những công trình, không gian nào là di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất?
Chúng ta vẫn quen nói Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh 300 năm, nhưng những nghiên cứu khảo cổ học gần đây cho thấy, Sài Gòn đã có lịch sử khoảng 3.000 năm, trải dài từ thời kỳ tiền sơ sử, thời kỳ văn hoá Óc Eo của Vương quốc Phù Lam, sau đó đến hậu Óc Eo khi bắt đầu có lưu dân người Việt và thời kỳ khởi lập và phát triển của một đô thị từ thế kỷ XVIII đến nay.

Tuy nhiên, việc quy hoạch và xây dựng ở thành phố này chưa lưu ý nhiều đến việc bảo tồn các loại hình di tích, di sản. Nhiều công trình di sản quan trọng, có giá trị lịch sử đã không còn nguyên vẹn, hư hỏng, hoặc bị phá bỏ.

Di tích lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh: quan8.hochiminhcity.gov.vn

TP. Hồ Chí Minh có 185 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích khảo cổ, bao gồm di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) và lò gốm Hưng Lợi (quận 8).

Trải dài hơn 1 thế kỷ, lò gốm Hưng Lợi rộng hàng ngàn m2 - di tích còn lại của xóm lò gốm thuộc khu vực Chợ Lớn nay đã là “phế tích”, chỉ còn lại nền móng và những mảnh gốm cách mặt đất khoảng chừng 1m.

Đất di tích cổ sau nhiều năm bị người dân lấn chiếm, cỏ mọc hoang tàn.

Là người chủ trì khai quật lò gốm năm 1997 - 1998, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội sử học TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đó là một “thất bại” của trong việc quản lý di sản, khi chưa có sự thống nhất giữa Luật di sản và Luật đất đai.

"Chúng ta có rất nhiều hệ thống luật liên quan đến luật di sản là luật xây dựng, luật đô thị, luật đất đai, nhưng lại không có sự đồng bộ với nhau.

Chỉ trong vòng 10 năm thôi, tốc độ phát triển quá nóng, quá nhanh, nên chính quyền địa phương cũng không rõ ràng về luật để xử lý".

Xưởng Ba Son là nơi đóng tàu lâu đời nhất Sài Gòn và là công trường thủ công lớn nhất của Sài Gòn xưa. Ảnh: Pháp luật TPHCM

TP. Hồ Chí Minh - Sài Gòn được chia làm ba khu vực. Khu vực 1 là khu vực trung tâm TP bao gồm quận 1, quận 3, quận 6. Khu vực này có những di sản đô thị, tức là những di sản từ thế kỷ XVIII đến ngày nay.

Khu vực thứ 2 là huyện Cần Giờ với hệ thống di tích khảo cổ học quan trọng với niên đại khoảng 2.500 - 2.000 năm.

Khu vực 3 là khu vực đồi Gò Cao của lưu vực sông Đồng Nai ngày nay, tập trung vào thành phố Thủ Đức gọi là văn hoá Đồng Nai, tương đương với văn hoá Sa Huỳnh, hay văn hoá Đông Sơn.

Di sản đô thị bao gồm các di tích khảo cổ học, hình thái và cấu trúc đô thị, bao gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn, các công trình kiến trúc tiêu biểu, các loại hình văn hoá phi vật thể.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” và “Sài Gòn hai đầu thế kỷ” - một người dành nhiều cảm xúc về Sài Gòn, thấm đượm tình yêu với Sài Gòn chia sẻ:

"Chỉ mới kể đến di sản vật thể thôi, thì chúng ta thấy còn, nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, còn đó, mà mất đó... Một con người, hay một đô thị không thể nào chỉ có cái mới. Bản thân sự phát triển, cái mới đó đã có gen, tế bào, những yếu tố của quá khứ, là cái hay, đẹp được chọn lọc.

Chúng ta có một Hà Nội hiện đại, một Sài Gòn hiện đại, nếu không có cái cũ thì sẽ không có cái hồn cốt của Hà Nội hay Sài Gòn..."

Phải khẳng định, trung tâm cũ của Sài Gòn phải là Quận 1, là chợ Bến Thành, là Uỷ ban Nhân dân Thành phố...

Thương xá Tax từng là biểu tượng của Sài Gòn phồn hoa một thời. Trải qua thăng trầm, khu thương mại sầm uất ngày nào đã bị đóng cửa.

Công viên Chi Lăng, Nhà đèn Chợ Quán, cầu sắt trong Thảo Cầm Viên hay trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất...  - Đó là những công trình di sản đã biến mất cùng với quá khứ khi Sài Gòn thay áo mới.

Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử quy hoạch đô thị Thế Anh cho rằng, cần phân biệt các khái niệm “Di sản”, “Thực thể có giá trị di sản”, hay là “Thực thể cũ” thì mới quyết định nên giữ lại di sản nào. Anh đặt ra giả định:

"Nếu như di sản bắt buộc phải chết đi, phương án cho nó là gì, chúng ta có thể tạo ra được di sản hay không. Chúng ta xây dựng cái mới để tạo thành di sản cho tương lai. Nguy hiểm nhất của yếu tố bảo tồn di sản là yếu tố toàn cầu hoá. Vì chúng ta đang xây nhiều cái giống với thế giới và mất đi sự sáng tạo của dân tộc".

Sự biến mất của hàng loạt kiến trúc di sản và hàng trăm biệt thự cổ đã để lại nhiều sự tiếc nuối, đau xót cho các chuyên gia bảo tồn và người dân.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hậu, việc kiểm kê, cân nhắc để giữ lại hay kiến tạo di sản cũng cần cân nhắc đến 4 nhân tố tác động, đó chính là chính quyền, cộng đồng, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là các nhà đầu tư vào di sản.

"Cái nào có giá trị di sản thì giữ lại, nếu không có giá trị tích luỹ, thì kiến trúc sư cũng có thể trên cơ sở đó để sáng tạo những công trình cho đời nay và đời sau công nhận đó là di sản của thế kỷ 21 này.

Bởi vì bên cạnh đó còn có sự phát triển. Tôi chắc chắn là chuyện bảo tồn và phát triển một số trường hợp phải “thoả hiệp” với nhau".

Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Lao động

Cho đến nay, những tuyệt tác kiến trúc mang tính di sản tại Sài Gòn như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, chợ Bến Thành, UBND TP. Hồ Chí Minh… vẫn còn nguyên giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, văn hoá. Trước những “tượng đài” đã in sâu vào đời sống người dân thì việc kiến tạo nên những di sản mới là điều không hề dễ dàng.

PGS.TS Đinh Hồng Hải, giảng viên Khoa Nhân học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, người từng có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về biểu tượng văn hóa của Việt Nam cho rằng:

"Cái mà chúng ta cần bảo vệ là giá trị lịch sử - văn hoá. Có một từ khoá thế này, đó là “giá trị gia tăng của di sản”.

Di sản càng để càng có giá. Chính vì thế không thể có chuyện ta xây một công trình giống hệt như công trình cổ mà ta nói là giá trị ngang nhau. Cái 1 tuổi và cái 1.000 tuổi khác nhau. Cái ta cần giữ là cái 1.000 tuổi, dù chỉ là một mảnh đĩa vỡ..."

Nhiều chuyên gia nhận định, câu chuyện của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh không chỉ của riêng thành phố, mà còn là câu chuyện chung của Hà Nội, của Thừa Thiên - Huế, ...- những TP di sản. Đã đến lúc, cần đặt ra vấn đề phải có một bộ máy thống nhất trong quản lý và bảo tồn di sản.

Chợ Bến Thành công trình kiến trúc Sài Gòn xưa.
Chợ Bến Thành công trình kiến trúc Sài Gòn xưa.

Trong hiện tại, nếu giới trẻ không biết về những dấu tích thăng trầm, những yếu tố văn hoá sâu lắng đằng sau những giá trị di sản trường tồn theo thời gian, thì đó là một mất mát lớn. Tuy nhiên, nếu không có giá trị sử dụng, di sản chỉ là di vật hoặc kỷ vật, mang giá trị lịch sử của di tích, mà khó phát huy các giá trị về văn hóa.

Bởi vậy, trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội cần lưu ý đến các di sản, bởi đó là hồn cốt của một của một đô thị như Sài Gòn. Góc nhìn của VOV Giao thông: Cuộc “thoả hiệp” với sự phát triển”.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Thành phố là nơi lưu giữ nhiều di tích, di sản có giá trị văn hóa lớn. Nơi đây là sự hòa quyện giữa văn hóa dân tộc truyền thống và văn hóa phương Tây hiện đại.

Các di tích này cũng thể hiện sự giao thoa của các nền văn hóa của các tộc người là Kinh- Hoa-Khmer- Chăm. Các tôn giáo, tín ngưỡng cũng theo đó đan xen, hiện hữu trong từng khu vực, quận huyện; tạo nên sự đặc sắc về văn hóa của vùng đất phương Nam ở một đô thị năng động, bậc nhất như Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh.

Ngày nay, các di tích, di sản này đang góp phần làm nên hồn cốt một Sài Gòn năng động, sáng tạo nhưng cũng có nét cổ kính, thâm nghiêm, là điểm nhấn cho du khách khi đến đây.

Vấn đề hiện nay là thành phố phải làm gì và làm như thế nào để giữ được các di sản văn hóa này nhưng đồng thời giúp cho các công trình mang tính lịch sử đó không ngủ đông mà phát huy được giá trị, nhất là cho ngành du lịch.

Nhiều năm qua, dù đã có Luật di sản, nhưng do công tác quản lý nhà nước ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng, nhiều di tích lịch sử có giá trị bị xâm hại, phá vỡ nhưng không có ai bị xử lý. Nhiều nơi vì mục tiêu phát triển kinh tế có công trình giá trị cũng bị khai tử, điển hình như cảng Ba Son là một ví dụ cho sự mất mất này.

Đó là chưa kể hàng trăm di tích hiện đang bị bỏ quên, không ai quan tâm tôn tạo, chăm sóc. Theo thời gian đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều nơi bị xâm lấn làm nơi mua bán, hàng quán, bãi giữ xe; trông lộn xộn, nhếch nhác.

Ngành văn hóa, du lịch thành phố cũng có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về tôn tạo, giữ gìn và phát huy các công trình này nhưng rồi động thái chuyển động chẳng là bao. Các di tích nằm trong khu dân cư mỗi ngày một xuống cấp và bị xâm chiếm nhiều hơn.

Đã đến lúc chính quyền thành phố mà hai ngành chủ công là văn hóa và du lịch cùng cần với các quận, huyện khẩn trương có kế hoạch để bảo tổn toàn bộ các di sản đang có. Nhất là các công trình đang xuống cấp nghiêm trọng nếu không kịp thời tu sửa sẽ biến mất trong nay mai.

Trên cơ sở đó cũng đáng giá toàn bộ số lượng, chất lượng các công trình để có giải pháp phù hợp. Phải đầu tư thích đáng vào các công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn nhiều trăm năm. Các di sản này có thể kể được các câu chuyện hay, sinh động mỗi khi khách tham quan. Đây cũng chính là giá trị kinh tế mà di sản mang lại.

Một vấn đề nữa là ở đô thị phát triển năng động bậc nhất cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, nhiều di tích ở vị trí đất vàng, thậm chí là đất kim cương. Câu chuyện giữ gìn bảo tổn hay dỡ bỏ các di tích kém hiệu quả để phát triển luôn đặt ra, đòi hỏi phải hết sức khoa học và có tầm nhìn.

Tránh chỉ vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng di dời hay phế bỏ các di tích mang tính hồn cốt của đô thị nhưng cũng không quá cứng nhắc khư khư ôm giữ, khi di tích thực sự không mang lại hiệu quả. Ở đây trong từng hoàn cảnh, từng công trình cụ thể cũng có thể là có sự thỏa hiệp với sự phát triển nhưng phải đảm bảo nghiên cứu, đánh giá, đề xuất khoa học nghiêm túc trước khi đưa ra quyết định, hợp lý, hợp tình nhất.

Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội và nhiều đô thị lớn của cả nước cũng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, những di sản văn hóa của biết bao thế hệ người Việt đã dày công vun đắp là một việc làm cần thiết. Thể hiện sự trân trọng tự hào về quá khứ, đồng thời cũng là điểm tựa để xây dựng các thành phố thực sự là văn hóa, văn minh; phát triển hài hòa, xứng danh là các thành phố đáng sống ở Việt Nam.