Ngành giao thông đang làm việc với các địa phương về hướng tuyến cao tốc Bắc Nam với tiêu chí "đi thẳng nhất, tránh tối đa các khu dân cư", theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. VnExpress phỏng vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về kế hoạch thực hiện nghị quyết này.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam như thế nào?

Sau thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, để chủ động công việc, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần.

Chúng tôi yêu cầu Ban quản lý dự án lập kế hoạch triển khai đảm bảo tiến độ thực hiện theo nghị quyết của Quốc Hội và nghị quyết của Chính phủ với các mốc thời gian cụ thể. Trong đó, công tác lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án hoàn thành chậm nhất ngày 31/5 với các dự án địa hình thuận lợi. Còn các dự án trên địa hình phức tạp sẽ hoàn thành muộn nhất ngày 30/6.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các ban quản lý dự án sẽ hoàn thành bàn giao mốc cọc cho các địa phương trước ngày 15/3. Với các đoạn tuyến có yếu tố địa hình, thủy văn phức tạp hơn sẽ hoàn thành chậm nhất 30/6.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh:Huy Vũ

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Huy Vũ

Công tác giải phóng mặt bằng sẽ quyết định đến tiến độ làm cao tốc. Việc này được tổ chức ra sao?

- Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị địa phương khi có Nghị quyết của Chính phủ sẽ thành lập ngay Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của tỉnh. Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện có tuyến cao tốc đi qua sẽ tổ chức giải tỏa, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 31/12 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2023.

Từ hơn một năm qua, lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách khu vực đã có nhiều chuyến công tác thực địa từ Bắc đến Nam để thống nhất, thỏa thuận với chính quyền địa phương về hướng tuyến. Chúng tôi đặt tiêu chí tuyến cao tốc đi thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, không e ngại làm cầu hay hầm xuyên núi theo đúng tinh thần "qua sông bắc cầu, qua núi đào hầm, qua ruộng đổ đất" của Thủ tướng. Qua đó giảm thời gian, chi phí khâu giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới.

Giữa tháng 1, lãnh đạo Bộ cùng các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm đã kiểm tra hiện trường, làm việc với Quân khu 4 và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; với Quân khu 5 và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về hướng tuyến cùng nội dung liên quan dự án.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã làm việc với Sở giao thông Vận tải TP Cần Thơ, UBND các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau về hướng tuyến và các nội dung liên quan dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Qua các cuộc làm việc đó, các địa phương đều thống nhất sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ chung của dự án khởi công trong năm 2022.

- Chính phủ quyết định áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, xây lắp thuộc 12 dự án cao tốc Bắc Nam. Việc này sẽ diễn ra như thế nào?

- Đối với gói thầu tư vấn, nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi thường sẽ mất khoảng 58 - 60 ngày làm việc trong khi đó áp dụng chỉ định thầu chỉ mất tối đa 30 ngày. Tương tự, đối với gói thầu xây lắp, đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ qua 19 công đoạn với thời gian 76 - 80 ngày làm việc, còn chỉ định thầu chỉ qua 11 công đoạn và 41 ngày làm việc.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm chỉ định thầu tại dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành một hồ sơ yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn, xây lắp. Doanh nghiệp nào đáp ứng hồ sơ thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn, còn doanh nghiệp yếu kém chưa có công trình lớn thì không được vượt qua. Nếu chỉ định thầu tư vấn, dự án sẽ rút ngắn được 3-4 tháng mà vẫn chọn được các tư vấn giỏi.

- Trong 20 năm qua, Việt Nam mới triển khai được trên 1.000 km cao tốc. Vốn đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ. Vấn đề này sẽ được khắc phục ra sao thời gian tới?

- Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chuyến công tác "xuyên Tết, xuyên Việt", thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ đối với ngành giao thông, trong đó có cao tốc Bắc Nam.

Chúng tôi tiếp thu sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng và cụ thể hóa bằng tư duy đổi mới, hành động quyết liệt hơn đối với những dự án đang triển khai cũng như chuẩn bị thật tốt cho việc thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam. Bộ Giao thông Vận tải sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập trong suốt quá trình thực hiện dự án. Tôi đã yêu cầu các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan phải kiểm soát, bảo đảm tiến độ triển khai cũng như chất lượng các dự án; xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng quy định, vi phạm hợp đồng đã ký kết.

Công tác chuẩn bị hồ sơ dự án phải làm tốt ngay từ đầu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công.

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành dự thảo quyết định của Thủ tướng về quy chế phối hợp, kế hoạch triển khai thực hiện dự án và đề xuất Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Tháng 1, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, chia thành 12 dự án thành phần, các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.