Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố, Công ty CP Y tế Đức Minh (trụ sở tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã chi 3.437 tỉ đồng để nhập kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Với số tiền rất lớn này, Công ty CP Y tế Đức Minh đã nhập về hàng chục triệu bộ kit xét nghiệm các loại trong 2 năm 2020, 2021.
Cũng theo cơ quan quản lý nhà nước, công ty khai báo giá mỗi bộ kit xét nghiệm nhập về từ 86.000-150.000 đồng, tùy theo loại và nước nhập khẩu trong khi giá bán cho các bệnh viện dao động từ 250.000-395.000 đồng/bộ.
Với số lượng kit xét nghiệm Covid-19 cực lớn cũng như chênh lệch cao giữa giá nhập và giá bán trên, ai cũng có thể thấy đơn vị nhập đã lãi "khủng" ra sao. Tuy nhiên, theo "trần tình" của Công ty CP Y tế Đức Minh, công ty này chỉ tự bán ra lượng nhỏ trong tổng số lượng nhập về (chỉ dưới 10%), mà chủ yếu là thực hiện dịch vụ nhập khẩu ủy thác cho bên thứ 3 (chiếm tới hơn 90%).
Công ty CP Y tế Đức Minh đã nhập bao nhiêu kit xét nghiệm Covid-19, với giá nào, bán ra giá bao nhiêu, có lãi "khủng" hay không...? Những câu hỏi đó chỉ có cơ quan chức năng mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Khi vụ Việt Á đang gây bức xúc, phẫn nộ do cấu kết với các quan tham "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19 để trục lợi vào thời điểm cả nước gồng mình chống dịch thì những thông tin về việc Công ty CP Y tế Đức Minh nhập số lượng rất lớn kit xét nghiệm Covid-19 càng gây xôn xao dư luận.
Từ vụ Việt Á, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng không chỉ "phăng" ra tận gốc rễ vụ trục lợi phi nhân tính này theo tinh thần "điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" mà còn làm rõ hoạt động mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đại dịch này đã gây ra những tổn thất to lớn về của cải vật chất, đặc biệt là sức khỏe và sinh mạng ở nước ta khi có tới hơn 2,48 triệu người mắc bệnh và 38.402 ca tử vong (tính đến chiều 12-2). Nỗi đau mà đại dịch Covid-19 gây ra như càng bị khoét sâu thêm bởi những kẻ "táng tận lương tâm" tìm mọi cách trục lợi ngay trên khó khăn, mất mát, đau thương của chính đồng bào mình.
Với số tiền rất lớn để mua trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, vụ Việt Á chỉ chiếm một phần nhỏ. Còn đơn vị, công ty nào nữa ngoài Việt Á; ngoài những kẻ "dính chàm" trong vụ Việt Á, còn ai nữa ở các đơn vị, doanh nghiệp khác chưa bị lộ? Đó là những điều rất cần cơ quan hữu trách làm tới nơi tới chốn để không chỉ khiến công lý được thực thi mà quan trọng không kém là nhằm răn đe để không có những vụ Việt Á trong tương lai.