Tính đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 2,4 triệu ô tô đang ký dịch vụ ETC, tương đương 50% tổng số ô tô lưu hành. Số lượng đã ít, công nghệ lại còn nhiều bất cập. Thời gian qua, khách hàng sử dụng dịch vụ ETC phản ánh khó qua trạm thu phí không dừng, đặc biệt là các tuyến cao tốc.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, hàng trăm ô tô dán thẻ tự động ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) không đọc được thẻ khi qua trạm kín VETC trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng. Hay đến nay, nhiều khách hàng sử dụng thẻ Etag và ePass đều không qua được trạm thu phí tự động trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, khiến nhiều lái xe thắc mắc.
"Tôi đi chẳng hạn như ở Sài Gòn thì tất cả những trạm thu phí như cầu Phú Mỹ đều trả bình thường. Nhưng khi đi vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, khi đi vào thì không bật lên, tôi phải lùi lại từng tí trong khi xe rất đông. Bây giờ con đường đi mỗi đường lại có thu phí khác nhau".
"Hai công ty nhưng mà xe này dán bên ePass trên thành phố có trạm An Sương lan VETC vẫn đi được, chứ không phải ePass không đi được của VETC. Và ngược lại khách hàng không muốn dán VETC dán ePass bên em vẫn đi được luôn, trừ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây".
"Các xe miễn qua được là tiện lợi, còn trạm có trạm không không đồng bộ".
Ngay sau sự cố xe không qua được trạm trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng, Tổng cục đường bộ Viêt Nam đã yêu cầu rà soát, báo cáo nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa khắc phục tình trạng này đối với hệ thống ETC.
Theo ông Hồ Trọng Vinh – Phó tổng giám đốc công ty TNHH thu phí tự động (VETC), một số trạm ETC không phải do công ty vận hành mà do BOT vận hành. Nên nếu xảy ra sự cố, công ty sẽ phối hợp với BOT để xử lý.
Riêng lý giải về nguyên nhân bất cập trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, ông Liêu Khải Tùng – Phó trưởng trung tâm điều hành cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết:
"Các làn thu phí không dừng trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đưa vào khai thác từ 21/8/2017 và sử dụng công nghệ DSRC. Các phương tiện dán thẻ Etag và ePass đang sử dụng công nghệ RFID nên không tương thích về công nghệ nên dẫn đến các phương tiện dán thẻ Etag và ePass không qua được trạm thu phí tự động không dừng trên cao tốc".
Ngoài sử dụng khác công nghệ so với các trạm thu phí khác, ông Liêu Khải Tùng còn cho biết thêm, từ 8/2017 đến nay, thống kê có khoảng 1.500 phương tiện có sử dụng thu phí không dừng trên cao tốc.
Số lượng này theo dự án dự báo là rất ít. Nguyên nhân là do công nghệ không đồng bộ với các trạm thu phí trên quốc lộ. Và chỉ sử dụng trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thôi, đi ra quốc lộ thì không đi được.
Được biết, thời điểm đó, ở Việt Nam tồn tại 2 công nghệ thu phí ETC gồm công nghệ DSRC và công nghệ RFID. Đến tháng 6/2020, Thủ tướng ban hành quyết định thống nhất hệ thống thu phí không dừng bằng công nghệ RFID.
Do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gặp khó khăn về bố trí vốn ngân sách, đầu tư hệ thống ETC theo công nghệ DSRC trên 4 tuyến cao tốc. Thủ tướng cho phép Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định các trạm thu phí do VEC quản lý có tiến độ hoàn thành phù hợp với nguồn vốn dự án.
Nguyên nhân người dân ít sử dụng hệ thống ETC không chỉ do bất đồng về công nghệ, tốn kém khi phải đăng ký nhiều thẻ, theo ông Nguyễn Văn Tón - Trưởng trạm VDTC Bến Tre, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu, thực tế nhiều chủ phương tiện không có nhu cầu dán thẻ do chỉ di chuyển trong nội thành, cùng ít có trạm thu phí.
Hoặc họ không có thói quen sử dụng nên chỉ dán thẻ mà không nạp tiền vào tài khoản thanh toán khi qua trạm thu phí không dừng. Cộng thêm việc đi nhầm làn thu phí chưa bị xử lý như hiện nay, gây ác tắc giao thông, cũng khiến nhiều bác tài khác đang sử dụng thẻ ETC bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tón nói:
"Qua đợt Tết vừa rồi, xe về khoảng 22.000. Xe đảm bảo đủ điều kiện qua trạm không dừng là 34,6% trong số lượng đó.
Hệ thống đếm số lượng xe có dán thẻ là 70%. Số lượng xe dán rất nhiều nhưng khoảng phân nửa trong đó là chưa có nạp tiền. Thì do nghị định 123/2022, xe đi nhầm sẽ bị phạt 3 triệu, giữ bằng 3 tháng nhưng hiện tại các đơn vị chưa có xử phạt.
Bây giờ một phần là do ý thức cửa người dân và doanh nghiệp có ủng hộ hay không. UBND tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng có gửi văn bản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp giao thông vận tải của 2 tỉnh về việc xử phạt và nâng cao tỷ lệ ETC".
Như vậy, theo Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các trường hợp không đủ điều kiện đi vào làn thu phí không dừng (ETC) sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng. Tuy nhiên, từ những sự cố kỹ thuật, công nghệ chưa tương thích khiến quy định này cũng đang vấp phải những tranh cãi.
Thậm chí còn vướng phải nghi ngờ về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ ETC. Thế nên, thu phí tự động không dừng chỉ thành công khi người dân nhìn thấy được lợi ích của mình từ chính sách.
Đến nay, thu phí tự động không dừng vẫn tiếp tục trì trệ vì nhiều nguyên nhân. Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải rà soát, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống thu phí tự động, tạo thuận tiện cho người dân.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Thu phí không dừng: Đừng để chính sách bị cản trở, lãng phí”
Thu phí tự động không dừng mang lại lợi ích nhiều bên nhưng qua thời gian thực hiện đã nảy sinh nhiều hạn chế bất cập. Ngay dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, Kênh VOV Giao thông cả trong Nam ngoài Bắc đều được các lái xe gọi điện phản ánh than trời vì liên tục gặp trục trặc.
Xe dán thẻ của VETC cung cấp thì không sao tương thích được với tuyến đường sử dụng hệ thống thu phí của công ty VDTC lắp đặt và ngược lại. Riêng tuyến cao tốc Long Thành- Giầu Giây ở phía Nam thì do lịch sử để lại nên hệ thống thu phí tự động lại theo một công nghệ khác. Các xe dán thẻ của VETC hoặc VDTC đều không có giá trị mà phải dán riêng thẻ mới được chấp nhận.
Chính sự thiếu kết nối, liên thông của các nhà cung cấp dịch vụ này đã làm khó lái xe. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chính các đơn cung cấp phần mềm đang cố tình tìm cách gây khó dễ để hạ bệ uy tín của nhau cho dù lãnh đạo các công ty đều cam kết không khi nào làm chuyện này.
Về phía các chủ đầu tư BOT trên các tuyến đường dù đã được yêu cầu là phải có làn thu phí tự động không dừng nhưng nhiều nơi vẫn chây ì, chưa thực hiện hoặc làm theo kiểu đối phó. Khi lái xe đi vào làn thu phí tự động không dừng thì báo lỗi hệ thống hoặc đổ lỗi cho các nhà cung cấp dịch vụ thẻ, yêu cầu tài xế trả tiền mặt.
Trong khi VETC và VDTC đều khẳng định, giải pháp kỹ thuật được cung cấp là đồng bộ; lỗi là do người lắp đặt và người vận hành của phía chủ đầu tư. Câu chuyện không muốn minh bạch hóa các khoản thu của các trạm BOT từ việc chần chừ áp dụng thu phí tự động lại có dịp bùng lên.
Các tranh cãi,đổ thừa này chưa biết đến đâu nhưng hậu quả nhãn tiền là giao thông dịp Tết vừa qua nhiều nơi ùn tắc nghiêm trọng. Xe không dán thẻ ETC cũng đi vào làn thu phí tự động. Các trạm yêu cầu lùi xe trở lại, khiến toàn bộ đoàn xe phía sau xếp hàng rồng rắn. Nhiều nơi hỗn loạn, giao thông trước trạm thu phí không thể điều tiết.
Đó là chưa kể, nhiều chủ phương tiện cũng không mặn mà với dán thẻ tự động mà muốn nộp tiền tươi; có tài xế vì muốn có thêm “tiền cà phê” nên chỉ thích nộp tiền mặt thay vì bị thu qua tài khoản.
Thu phí tự động không dừng là giải pháp công nghệ bắt buộc phải áp dụng, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay, giúp hạn chế tiếp xúc, bảo vệ được lái xe và người thu. Về phía Chính phủ cũng đã yêu cầu, trong quý I này, các tuyến đường chỉ duy trì một làn đường thu phí hỗn hợp.
Đến tháng 6, tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí phải được dán thẻ ETC. Đặc biệt, các xe không dán thẻ tự động nhưng vẫn cố tình đi vào làn thu phí tự động sẽ bị xử phạt nguội.
Đây là những yêu cầu rõ ràng và dứt khoát. Tuy nhiên, để thu phí tự động không dừng được thực hiện một cách thực chất và không gây những phiền toái, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ ngồi lại, họp bàn, thống nhất và ký thỏa thuận để khắc phục nhưng lỗi kỹ thuật vừa qua.
Bảo đảm tính liên thông, liên kết và tương thích về mặt kỹ thuật, công nghệ, hạn chế thấp nhất các trục trặc xảy ra. Công ty nào không làm được thì mời nhiều đơn vị cùng tham gia.
Xử lý các chủ đầu tư BOT chây ì, hoặc cố tình không thực hiện mở các làn phí thu phí tự động không dừng để mập mờ các khoản thu. Truyền thông để chủ phương tiện tự giác dán thẻ ETC khi tham gia giao thông. Đây là các than toán nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời còn góp phần chống ùn tắc, xây dựng giao thông văn minh.
Thu và trả phí tự động không dừng là một chính sách tốt, rất cần một chế tài kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp đi ngược lại lợi ích chung. Đừng để một chính sách hiện đại, hiệu quả bị cản trở và lãng phí.