Trung tâm báo chí TPHCM khánh thành ngày 5/5/2019
Chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021-2025 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định số 2119/QĐ-BTTTT ngày 31-12-2021.
Theo đó, đến năm 2025, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%.
Chiến lược cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025. Theo đó, thứ nhất, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, chính sách phát triển báo chí. Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ và truyền thông hiện nay, bao quát được các loại hình báo chí, truyền thông mới; làm rõ khái niệm, thúc đẩy phát triển tổ hợp báo chí, khái niệm “chủ bút, chủ báo”, hệ sinh thái báo chí, báo chí dữ liệu. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho các cơ quan báo chí; sửa đổi quy định của pháp luật về quảng cáo, quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động báo chí…
Thứ hai, về phía các cơ quan báo chí, thực hiện phân loại theo cơ quan chủ quản, tầm ảnh hưởng đối với xã hội, tính chất khoa học, tính chuyên ngành để có cơ chế chính sách và phương án quản lý nội dung phù hợp, thúc đẩy hiệu quả công tác báo chí và thông tin tuyên truyền.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, với trọng tâm: Định hướng xây dựng hoàn thiện Đề án cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực, đa phương tiện đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân theo hướng thống nhất một khung đề án chung.
Mở rộng mô hình “cơ quan báo chí, truyền thông tỉnh, thành phố…” tại các địa phương. Xin chủ trương thí điểm mô hình Tổ hợp báo chí - truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong đó, có các cơ quan báo chí trực thuộc vừa tập trung đầu mối quản lý, đầu tư, vừa phát huy sức mạnh thương hiệu của các cơ quan báo chí hiện có với các đối tượng phục vụ, tôn chỉ mục đích khác nhau.
Rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động cho khoảng 390 cơ quan báo chí, bảo đảm quy định về tôn chỉ, mục đích, đặc biệt là tính chất chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí.
Thứ tư, xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Hỗ trợ các cơ quan báo chí sử dụng công nghệ để chuyển đổi cách thức hoạt động, đổi mới sản xuất nội dung, thay đổi phương thức phân phối nội dung trên các nền tảng số; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí.
Thứ năm, triển khai kế hoạch bảo vệ quyền lợi của báo chí Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới. Trong đó, thúc đẩy thành lập hình thức liên minh, liên kết bảo vệ quyền lợi của các cơ quan báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới...
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động báo chí. Xử lý quyết liệt các vấn đề còn tồn tại của báo chí như quảng cáo phản cảm, quảng cáo sai sự thật; liên kết, có dấu hiệu tư nhân hóa, buông lỏng quản lý; báo hóa tạp chí, trang tin; tôn chỉ mục đích trong hoạt động báo chí…
Cùng với đó, chiến lược cũng đề ra 11 giải pháp đột phá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.