Người dân đợi thủy triều rút ra bãi biển cào nghêu thuê, mỗi ngày thu nhập 200.000-600.000 đồng.

Gần 7h một ngày giữa tháng 2, bãi nghêu của Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông (Thới Thuận, Bình Đại) thủy triều đã rút cạn, hơn 50 người dân mang vợt đến cào nghêu thuê. Cầm chiếc vợt lưới có túi dài liên tục cào lớp bùn mỏng, bà Nguyễn Thị Lan (51 tuổi, người dân địa phương) sau đó xốc mạnh chiếc túi dính đầy bùn dưới vũng nước, để lộ những con nghêu chắc nịch, to bằng ngón chân cái.

Như nhiều người dân địa phương, bà Lan là xã viên Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, mưu sinh bằng nghề cào nghêu. Mỗi gia đình thuộc hợp tác xã hàng ngày được cấp một phiếu cào nghêu, tương đương 200.000 đồng. Do không phải nhà nào cũng rảnh rỗi, nên họ thường nhượng phiếu cho hàng xóm với giá phân nửa. Một người dân vì thế có thể sở hữu 4, 5 phiếu cào nghêu một ngày. Từ 3h thủy triều rút, người dân đội đèn ra bãi cào nghêu, đến khoảng 8h về nhà.

Người dân dùng chiếc vợt lưới có túi dài cào lớp bùn trên bãi bồi bắt nghêu. Ảnh: Hoàng Nam

Người dân dùng chiếc vợt lưới có túi dài cào lớp bùn trên bãi bồi bắt nghêu. Ảnh: Hoàng Nam

"Mỗi tháng có hai con nước, người dân có khoảng 15 ngày đi cào nghêu thuê, thu nhập 200.000-600.000 đồng một người mỗi ngày", bà Lan nói và cho biết sau thời gian thu hoạch nghêu, người dân tiếp tục ra bãi biển bắt ốc hương, ốc mỡ, thu khoảng 200.000-300.000 đồng một ngày.

Ngồi gần đó, ông Trần Văn Trung (50 tuổi) sau khi rửa sạch, đổ nghêu vào sọt nhựa, đưa đến khu vực sơ chế. Một nhóm 3 người dân tiếp tục dùng chiếc vợt lưới để sàng lọc, loại bỏ vỏ nghêu lẫn tạp chất. Nghêu sau khi làm sạch sẽ bỏ vào bao tải, chất lên xe đạp đưa đến các tàu của thương lái cập gần đó.

Người dân sơ chế, loại bỏ vỏ nghêu lẫn tạp chất trước khi đổ vào bao tải. Ảnh: Hoàng Nam

Người dân sơ chế, loại bỏ vỏ nghêu lẫn tạp chất trước khi đổ vào bao tải. Ảnh: Hoàng Nam

Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông được thành lập 21 năm trước, sở hữu bãi nghêu rộng 1.500 ha, gần 10.000 xã viên. Ông Phan Hoàng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã, thông tin hợp tác xã khai thác xoay vòng một năm bán nghêu giống, năm sau bán nghêu thịt. Bình quân mỗi năm hợp tác xã khoảng 1.200 tấn nghêu giống hoặc 600 tấn nghêu thịt, thị trường chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Bắc.

Năm nay, vụ nghêu giống cỡ trung trúng mùa, sản lượng khoảng 3.000 tấn, tương đương chỉ tiêu doanh thu 30 tỷ đồng. Từ đầu tháng 2 đến nay, hợp tác xã khai thác khoảng gần 140 tấn nghêu, mỗi ngày thu hoạch khoảng 25 tấn với giá 12.000-13.000 đồng một ký. Đơn vị này có thể đáp ứng đủ cho thị trường khoảng 40 tấn nghêu một ngày.

Cạnh bãi nghêu, các tàu vận chuyển của thương lái neo đậu sẵn. Ảnh: Hoàng Nam

Cạnh bãi nghêu, các tàu vận chuyển của thương lái neo đậu sẵn. Ảnh: Hoàng Nam

Mỗi năm vào tháng 3 âm lịch thời tiết nắng nóng, nghêu bắt đầu ôm trứng, khi mưa xuống đồng loạt đẻ tại khu vực cửa biển Ba Lai. Khu vực xã Thới Thuận bãi bồi trải dài hàng km là môi trường thích hợp cho nghêu sinh trưởng, gió nam sau đó đẩy trứng dạt vào bờ rồi nở con. Sau 4 tháng, khi nghêu con đạt kích cỡ bằng chân nhang, khoảng 50.000 con một ký sẽ được phép khai thác nghêu giống.

Từ năm 2012, nghêu của Hợp tác xã Rạng Đông được Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận không khai thác tận thu, đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và sự đa dạng hệ sinh thái. Ngoài ra, việc khai thác phải có hệ thống quản lý hiệu quả, tôn trọng pháp luật, sử dụng nguồn lợi có trách nhiệm và bền vững.

"Vào thời vàng son gần 10 năm trước, nghêu giống được ví như 'vàng trắng', có giá từ vài trăm nghìn đến gần 2 triệu đồng một ký được vận chuyển bằng máy bay đến các tỉnh phía Bắc", Giám đốc hợp tác xã nhớ lại.