Nhà đầu tư Mỹ muốn đưa các trung tâm giải trí nổi tiếng thế giới vào Việt Nam, trước mắt đề nghị đưa Disney vào TP.HCM, Universal Studio vào Hà Nội và đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nói như vậy tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 17-2.
Ông cũng cho rằng cần đẩy nhanh đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM vì nếu chậm chân sẽ mất cơ hội vàng.
"Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. 'Đơn hàng' nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Đề án sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những gì phía nhà đầu tư Mỹ cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án sẽ bàn giao TP.HCM và kết hợp với những đề án thành phố đã nghiên cứu để tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai.
"Xin thông tin thêm, ngoài 10 tỉ USD các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản, chúng tôi có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước. Phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng.
Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP.HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal Studio vào Hà Nội cũng sẽ có thể có thêm 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) cũng có được 20 triệu khách.
Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động, Việt Nam sẽ có đến 70 triệu khách du lịch quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu TP.HCM đưa vào quy hoạch để có được một khu giải trí Disneyland", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Chúng ta kết hợp cả nhu cầu muốn có gì từ trung tâm này với nguyện vọng của nhà đầu tư để đưa ra đề án tốt nhất.
Trong đề án này, TP.HCM xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là có vốn rồi thì xài ra sao, vốn chảy vào lĩnh vực nào chúng ta muốn để kích hoạt phát triển kinh tế.
Thành phố đã giao HFIC lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước. HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án, chuẩn bị nội dung cho thành phố báo cáo.
Dự kiến, tháng 4 tới, đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo cơ quan trung ương.
"Quan trọng nhất vẫn là khi doanh nghiệp bắt tay vào làm, do vậy cần có sự cải tiến về thủ tục hành chính.
Hiện doanh nghiệp làm gì cũng phải xin ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành, chúng tôi kiến nghị quy định nếu sau thời gian nhất định không nhận được trả lời thì tự động chuyển đến hộp thư của lãnh đạo thành phố phụ trách sở ngành đó để chỉ đạo giải quyết kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp.
Tôi kiến nghị đưa công nghệ thông tin vào quá trình này", ông Hòa nói.