Số ca mắc Covid-19 tại Quảng Ninh tăng cao khiến các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế, kit test nhanh khan hiếm, loạn giá. Nhiều người dân tìm mua thuốc online để tự chữa tại nhà.

Cửa hàng thuốc "cháy hàng"

Những ngày này, các cửa hàng thuốc trên địa bàn TP.Hạ Long (Quảng Ninh) lúc nào cũng nườm nượp người đến tìm mua các loại thuốc trị cảm cúm, thiết bị xông hơi, kit test nhanh Covid-19… Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, một số mặt hàng luôn trong tình trạng khan hiếm, hoặc người dân phải chấp nhận mua giá cao.

F0 tăng mạnh: Loạn giá thuốc, kit test nhanh Covid-19; nhan nhản 'bác sĩ, dược sĩ' online - ảnh 1

Nhiều người dân ở Hạ Long đến các cửa hàng y tế tư nhân mua thuốc về tự điều trị Covid-19 tại nhà

N.H

Ghé vào cửa hàng thuốc số 1 Đông Bắc (P.Hồng Hải, TP.Hạ Long), cách đây 3 tuần nơi này bán kit test nhanh với giá 55.000 đồng/bộ, nhưng hiện đã tăng lên 70.000 đồng/bộ.

Dù giá tăng là vậy nhưng người chậm chân đến mua cũng không có hàng và phải đi tìm kiếm tại các cửa hàng khác trên địa bàn.

Anh Nguyễn Quang Trọng (45 tuổi), ở P.Hồng Hải, TP.Hạ Long, cho biết sau khi dịch bùng phát mạnh trên địa bàn TP.Hạ Long thì giá cả các mặt hàng thuốc, vật tư y tế đều tăng phi mã. Anh Trọng thắc mắc liệu có tình trạng đầu cơ, trục lợi hay không và các cửa hàng đều không niêm yết giá...

Không chỉ kit test nhanh mà giá của nhiều mặt hàng như thuốc cảm cúm, trị ho và hạ sốt cũng tăng cao tại Quảng Ninh. Ví dụ, thuốc hạ sốt Efferalgan cách đây 1 tháng có giá khoảng 50.000 đồng/hộp và hiện nay nhiều nhà thuốc bán 70.000 đồng/hộp.“Nhà tôi có 2 người F0, cơ quan yêu cầu phải âm tính mới được đi làm. Riêng tiền kit test nhanh đã mất gần 1 triệu đồng rồi, chưa kể ăn uống tẩm bổ. Nếu chỗ nào cũng đẩy giá thế này chỉ khổ dân nghèo”, anh Trọng thở dài.

F0 tăng mạnh: Loạn giá thuốc, kit test nhanh Covid-19; nhan nhản 'bác sĩ, dược sĩ' online - ảnh 2

Kit test nhanh hiện đang "cháy hàng" ở Hạ Long, người dân nếu muốn mua phải chấp nhận giá cao

N.H

Tình trạng thổi giá kit test nhanh, các thuốc trị cảm cúm dẫn đến khan hàng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn TP.Hạ Long cũng như một số địa phương tại Quảng Ninh.

Anh Nguyễn Văn Ninh (36 tuổi), chủ cửa hàng thuốc số 1, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long), cho biết nhu cầu của người dân tăng cao đã khiến một số mặt hàng khan hiếm. Để có nguồn bán ra thị trường, một số cửa hàng cũng chấp nhận bị tiểu thương đẩy giá.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại các hiệu thuốc, kit xét nghiệm nhanh (test nhanh) Covid-19 được bày bán với nhiều chủng loại khác nhau, với giá dao động từ 70.000 - 120.000 đồng tùy loại; tăng nhẹ khoảng 30.000 - 50.000 đồng ở các nhà thuốc so với thời điểm cách đây vài tuần.

Nhan nhản “bác sĩ, dược sĩ” online

Trong khi một số cửa hàng thuốc y tế tư nhân thông báo hết hàng thì trên mạng xã hội tại Quảng Ninh lại xuất hiện nhan nhản các “bác sĩ”, “dược sĩ” online bày bán công khai đủ loại thuốc với lời quảng cáo là điều trị Covid-19 và kit test nhanh, cam kết "cần bao nhiêu cũng có".

F0 tăng mạnh: Loạn giá thuốc, kit test nhanh Covid-19; nhan nhản 'bác sĩ, dược sĩ' online - ảnh 3

Thuốc Liên Hoa Thanh Ôn được bày bán tràn lan trên mạng xã hội với quảng cáo giảm triệu chứng Covid-19

N.H

Các mặt hàng thuốc kháng virus được cho là của Nga, Trung Quốc được bày bán công khai. Thậm chí nhiều người bán còn tự ý kê đơn cho khách hàng..

Không chỉ bán công khai trên thị trường mà các loại thuốc không rõ nguồn gốc cũng tăng giá từng ngày. Liên Hoa Thanh Ôn có giá dao động 80.000 - 160.000 đồng/hộp; Favipiravir cách đây mới chỉ 2,5 triệu đồng hộp thì nay một số người ở Hạ Long bán 3,5 triệu đồng/hộp.

Mới đây, vào ngày 19.1, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh đã phát hiện, thu giữ 2.500 bộ kit test nhanh Covid-19 (ước tính 125 triệu đồng) mang nhãn hiệu nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Theo lời khai của chủ lô hàng, các sản phẩm được cá nhân này thu mua tại các điểm trôi nổi để bán kiếm lời nên không có giấy tờ chứng minh hợp lệ.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết có tình trạng người dân tự ý tìm một số loại thuốc để tự điều trị Covid-19 tại nhà. Trong đó, có 2 loại thuốc Favipiravir và Liên Hoa Thanh Ôn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường cũng như đưa vào phác đồ điều trị Covid-19.Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, cho biết qua kiểm tra của đơn vị hiện chưa phát hiện nhà thuốc, cửa hàng y tế nào bán các mặt hàng biệt dược trị Covid-19 nhập lậu. Hiện nay trên mạng xã hội có tình trạng cá nhân tự bán, trao đổi với nhau nhưng khó kiểm soát, bắt quả tang.

“Việc người dân tự mua thuốc ngoài luồng điều trị dễ gây hệ lụy khôn lường. Thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm có thể gây ra tình trạng giả triệu chứng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng giai đoạn, bệnh có thể gây rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh”, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định.