Giảm thuế nào để kìm hãm đà tăng giá xăng?
Tại Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nêu rõ - nhiệm vụ của Bộ Tài chính là chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Việc này cần được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28.2 theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 486 ngày 21.2.2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát.
Từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỉ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng, trước bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thời gian gần đây lại có xu hướng diễn biến phức tạp, khó dự báo; trong đó có những thời điểm tăng, giảm với biên độ khá lớn, thì chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Chính sách thuế nói chung, chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu nói riêng được quy định trong các luật thuế, nên việc điều chỉnh cũng cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động có liên quan, cũng như cần đảm bảo sự ổn định của chính sách", ông Tuấn nói.
PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân.
Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.
"Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyển của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020 và 2021, trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay", ông Long nói.
Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam chịu tác động trực tiếp, gián tiếp từ những "cú sốc" giá dầu thế giới tăng.
Về mặt tích cực, theo phân tích của chuyên gia - nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng, đi liền đó là nguồn thu từ các loại thuế phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo, góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế không hề nhỏ, cần được đặc biệt lưu tâm, để có những giải pháp hữu hiệu, giảm thiểu những tác động tiêu cực như: Tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5% (theo tính toán của chuyên gia thống kê).
Về giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng để ứng xử với tình trạng giá dầu khi tăng quá cao gây tác động bất lợi đến nền kinh tế.
Trên cơ sở bám sát diễn biến và dự báo chính xác các diễn biến của cung – cầu, giá cả thị trường thế giới và trong nước để có chiến lược (cả trung hạn và dài hạn) tăng cường nguồn lực thông qua giải pháp luôn bảo đảm cân đối cung – cầu trong mọi tình huống trên cơ sở các chiến lược sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông, tiêu dùng hợp lý.