Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo "thế giới đang đối mặt với thời khắc nguy hiểm", khi khủng hoảng Ukraine diễn biến nghiêm trọng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass và kêu gọi binh sĩ Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. "Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra hành động quyết liệt và ngay lập tức", ông Putin nói, khẳng định hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine đã kêu gọi Nga hỗ trợ.
"Tôi đã thấy khả năng về một cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm", Paul Kolbe, giám đốc Dự án Tình báo tại Trường Harvard Kennedy và cựu giám đốc CIA khu vực Trung Á-Âu, nói.
Bóng ma của một chiến dịch quân sự toàn diện vào Ukraine đang làm dấy lên lo ngại xung đột lan rộng, khiến giá cả leo thang, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn và gián đoạn kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
"Nếu Nga tiếp tục hướng đi này, chúng tôi ước tính nó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mới, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay", Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói tại cuộc họp của LHQ ngày 23/2.
Bà Thomas-Greenfiel cho biết một cuộc tấn công Ukraine của Nga có thể khiến khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động quân sự của Nga ở miền đông Ukraine và khoảng 5 triệu người khác phải di tản.
Ukraine được xem là "vựa lúa của châu Âu", do đó một cuộc xung đột quân sự sẽ khiến nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề, theo Alan Holland, CEO kiêm nhà sáng lập công ty công nghệ Keelvar ở Ireland.
Giới phân tích cho biết châu Âu phụ thuộc phần lớn vào lượng lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen của Ukraine. Nước này cũng là nhà sản xuất ngô lớn của thế giới.
"Dù mùa thu hoạch còn cách vài tháng nữa, cuộc xung đột kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt bánh mì và tăng giá vào mùa thu", Holland cảnh báo.
Không chỉ riêng châu Âu bị ảnh hưởng, nhiều quốc gia ở Trung Đông và Nam Phi cũng phụ thuộc vào nguồn lúa mì và ngô của Ukraine. Gián đoạn nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực ở những khu vực này, theo Dawn Tiura, chủ tịch của Sourcing Industry Group ở Mỹ.
"Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu ngô lớn của Ukraine, sau khi nước này vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2021", bà nói.
Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfiel cũng cảnh báo hoạt động quân sự của Nga có thể đẩy giá lương thực tăng vọt và dẫn tới nạn đói trầm trọng ở những nơi như Libya, Yemen và Lebanon.
Giới quan sát chỉ ra rằng Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Cùng với Ukraine, cả hai chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì toàn cầu.
"Một cuộc chiến tranh sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Các nước thị trường mới nổi, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Lebanon, phụ thuộc rất rất nhiều vào nguồn lúa mì từ Nga và Ukraine. Các quốc gia này đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao. Người nghèo là nạn nhân lớn nhất", Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, Trung Quốc, nói.
Điều khiến nhiều người lo ngại hơn là tác động đối với nguồn cung năng lượng. "Nếu bạn nói về một cuộc xung đột lớn liên quan tới một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới và một nước trung chuyển lớn của châu Âu, không thể không có những tác động đáng kể tới thị trường năng lượng", Nigel Gould-Davies, cựu đại sứ Anh tại Belarus và hiện là thành viên cấp cao về Nga, Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói.
Cuộc xung đột đang khiến giá dầu không ngừng tăng. Giá dầu hiện lên hơn 100 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy trong hơn 7 năm qua. Các nhà nghiên cứu của Bank of America dự kiến giá dầu có thể tăng thêm 20 USD/thùng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
"Nếu nguồn cung dầu của Nga bị chặn bởi các lệnh trừng phạt, châu Á với tư cách là nhà nhập khẩu ròng dầu điển hình sẽ cảm thấy sức nóng từ chi phí nhập khẩu năng lượng cao hơn", Howie Lee, nhà kinh tế của ngân hàng OCBC ở Singapore, nhận định.
Không chỉ mang tới những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, cuộc xung đột ở Ukraine còn được cho tác động không nhỏ tới địa chính trị toàn cầu, theo giới chuyên gia.
"NATO sẽ không can thiệp quân sự nên rất khó có cả khả năng xung đột lan ra ngoài Ukraine", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói với VnExpress. "Tuy nhiên, Putin vừa mới gây ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Âu, khi tạo ra bầu không khó căng thẳng và bất ổn chưa từng thấy kể từ những năm 1950".
Giới quan sát cho rằng tác động của cuộc xung đột thậm chí vượt ra ngoài phạm vi châu Âu.
Chuyên gia Schuster cho rằng hành động của Putin đã làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Mỹ và NATO. "Cả hai từng hứa sẽ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nếu nước này chuyển giao vũ khí hạt nhân cho họ. Ukraine đã làm như vậy và nhiều người tin rằng Nga sẽ không tấn công nếu Kiev còn vũ khí hạt nhân", ông nói.
Cuộc xung đột cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân của thế giới, theo chuyên gia Mỹ. "Các nước như Triều Tiên sẽ nhìn vào câu chuyện của Ukraine và Libya để lý giải cho việc giữ lại vũ khí hạt nhân", Schuster nói.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Nga, sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng.
"Đây là một tình huống rất bất lợi mà Trung Quốc bất ngờ bị Nga kéo vào", Wu Qiang, nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, nói. "Có thể Trung Quốc sẽ mất mối quan hệ thân thiện hiện tại với châu Âu. Trung Quốc và Mỹ cũng có thể sớm rơi vào cuộc đối đầu vì mối quan hệ gắn bó gần như liên minh giữa Bắc Kinh và Moskva. Trung Quốc cho đến nay chưa cho thấy sự sẵn sàng ngăn chặn chiến tranh".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói Nga "không xâm lược Ukraine" và cho biết Moskva có quyền đưa ra quyết định trên cơ sở lợi ích của họ.
"Đã đến lúc phải kiềm chế, lý trí và giảm leo thang", Tổng thư ký Antonio Guterres nói trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày 23/2, nhấn mạnh không có chỗ cho những hành động hoặc tuyên bố "đưa tình huống nguy hiểm hiện tại xuống vực thẳm".