Theo Bộ Y tế, từ 16h ngày 26-2 đến 16h ngày 27-2, cả nước ghi nhận 86.990 ca COVID-19 tại 61 tỉnh, thành, tăng 8.996 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày cả nước có số ca nhiễm cao nhất từ đầu 2020, tức đầu mùa dịch đến nay.

Tin sáng 28-2: Ca COVID-19 tiếp tục lập đỉnh, tử vong tăng, Hà Nội đối mặt cả Omicron và Delta - Ảnh 1.

Trong đó, Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất, với 11.517 ca. 

16 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm từ trên 2.000 - gần 6.000 ca như: Quảng Ninh (5.997), Lạng Sơn (4.960), Hưng Yên (3.225), Bắc Ninh (3.037), Nghệ An (2.941), Nam Định (2.764), Vĩnh Phúc (2.758), Phú Thọ (2.565), Sơn La (2.509), Tuyên Quang (2.350), Hòa Bình (2.298), Lào Cai (2.272), Hải Dương (2.226), Hải Phòng (2.114), Ninh Bình (2.031) và Đắk Lắk (2.012).

Trong ngày, cả nước có 94 ca tử vong vì COVID-19. Cùng với số ca nhiễm mới tăng mạnh, Hà Nội cũng là địa phương có số ca tử vong trong ngày cao nhất với 17 ca.

Ca tử vong trung bình hằng tuần của cả nước có chiều hướng tăng. Cụ thể, tuần gần nhất là 92 ca, tuần trước đó là 86 ca. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 của cả nước là 40.144 ca, chiếm tỉ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Tin sáng 28-2: Ca COVID-19 tiếp tục lập đỉnh, tử vong tăng, Hà Nội đối mặt cả Omicron và Delta - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ca COVID-19 ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng

Tại Hà Nội, trong buổi họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết hiện dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, đã có 2 ngày gần đây phát hiện trên 10.000 ca mắc COVID-19/ngày,  74 xã, phường (12,8%) đã chuyển sang cấp độ dịch 3.

Tuy nhiên, số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số với tỉ lệ 96%, trong đó, 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà.

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết thêm, tuy chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng trên thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta.

Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. TP cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Tin sáng 28-2: Ca COVID-19 tiếp tục lập đỉnh, tử vong tăng, Hà Nội đối mặt cả Omicron và Delta - Ảnh 3.

Người dân được yêu cầu mang test nhanh có họ tên đến Trạm y tế xã Triều Khúc (Hà Nội) để xác nhận F0 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cảnh báo tình trạng người mắc COVID-19 không khai báo

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo về phòng chống COVID-19 trong một số lĩnh vực ủy ban phụ trách. Theo đó, một số vấn đề được quan tâm gồm:

Việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà: Hiện nay, do số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, ở một số nơi, đặc biệt là ở tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh... người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc…

Không khai báo khi phát hiện mắc COVID-19 với y tế địa phương: Tại địa phương có số ca mắc cao, có tình trạng khi phát hiện mắc COVID-19 nhiều người đã không khai báo với y tế địa phương, dẫn đến khó khăn trong giám sát, quản lý số lượng người mắc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình.

Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

Tình trạng găm hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá xét nghiệm nhanh COVID-19: Tại nhiều tỉnh thành giá bộ xét nghiệm nhanh đã tăng liên tục, trong khi hiện nay hơn 95