Theo Hãng tin AFP ngày 1-3, trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 hiếm hoi trong lịch sử 77 năm của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Nga đã bảo vệ quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 28-2, trong hội trường Đại hội đồng, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẩn thiết yêu cầu: "Chiến sự ở Ukraine phải dừng lại. Tất cả đã đủ rồi".
Đại diện của hơn 100 quốc gia tại Đại hội đồng LHQ dự kiến sẽ phát biểu trong ba ngày để quyết định họ có ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine hay không.
Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do Albania và Mỹ đề xuất ngày 27-2 sẽ tổ chức vào ngày 2-3 và phải đạt ngưỡng 2/3 phiếu ủng hộ để được thông qua. Nghị quyết không có tính ràng buộc nhưng sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy nước Nga bị cô lập như thế nào.
Theo AFP, từ ngữ trong nghị quyết được giảm nhẹ nhằm đạt được sự ủng hộ tối đa. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên: "Chúng tôi không thấy bị cô lập. Lập trường của Matxcơva là hoạt động quân sự của Nga là để bảo vệ cư dân của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine".
Nga cho rằng mình đang "tự vệ" theo điều 51 của Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, phương Tây và LHQ bác bỏ lập luận này và cáo buộc Matxcơva vi phạm điều 2 của Hiến chương - yêu cầu các thành viên kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng.
Đại sứ của Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cảnh báo sẽ "không thể thu được gì từ việc bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" giữa Nga và Mỹ mà ngược lại, tất cả mọi người đều thua cuộc.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun phát biểu tại cuộc họp bất thường về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày 27-2 - Ảnh: REUTERS
Phiên họp khẩn cấp được tiến hành do Nga sử dụng quyền phủ quyết vào ngày 25-2 để ngăn chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc lên án chiến dịch quân sự của Nga và kêu gọi nước này rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.
Một nghị quyết năm 1950 có tên "Thống nhất vì hòa bình" cho phép các thành viên hội đồng tham gia Đại hội đồng trong một phiên họp đặc biệt nếu năm thành viên thường trực - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ - không đồng ý hành động cùng nhau để duy trì hòa bình.
Hội đồng Bảo an cũng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp riêng trong ngày 28-2 về tình hình nhân đạo ở Ukraine.