Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, bắt đầu có sự phân hóa trên bảng giá các mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, sau khi giá đã tăng khá mạnh từ đầu tuần đến nay. Tuy nhiên mức tăng rất mạnh của giá nhiên liệu một lần nữa giúp chỉ số MXV-Index thiết lập mức kỷ lục mới 2.903,39 điểm.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi xung độ giữa Nga và Ukraine tiếp tục mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 6,95% lên 110,6 USD/thùngtrong khi giá Brent tăng 7,58% lên 112,93 USD/thùng.
Dầu thô đã tăng rất mạnh 3 phiên liên tiếp trong tuần này với biên độ lên đến 4-7 USD/thùng. Việc Nga tuyên bố sẽ không rút quân về cho đến khi đạt được mục đích khiến cho các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU ngày càng nhiều. Điều này có thể khiến cho Nga tung ra các quyết định đáp trả.
Tâm lý lo ngại khiến cho thị trường “bỏ qua” tác động của 60 triệu thùng dầu giải phóng từ các kho dự trữ của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, dẫn đầu là Mỹ. Theo phân tích của công ty tư vấn Lipow Oil Associates, giới đầu tư đang định giá rằng thị trường sẽ gặp sự cố gián đoạn nguồn cung ít nhất 4 triệu thùng dầu/ngày, gần bằng tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga.
Trong khi đó, cuộc họp chính sách tối qua của OPEC+ kết thúc mà không có thay đổi gì trong chính sách. Nhóm tiếp tục giữ nguyên đường lối tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022, con số này không thay đổi gì so với chính sách đưa ra từ cuộc họp tháng 7/2021, bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung-cầu tại thị trường hiện tại lớn hơn rất nhiều do rủi ro địa chính trị. OPEC nói chung muốn giữ mối quan hệ với Nga, thành viên then chốt dẫn đến sự mở rộng nhóm từ năm 2016.
Sản lượng từ các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ vẫn đang duy trì ở mức 11,6 triệu thùng/ngày, theo Báo cáo Dầu khí Hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA tối qua. Khối lượng xuất khẩu đang gia tăng, do các khách hàng trên thị tường quốc tế tìm kiếm nguồn cung thay thế cho dầu Nga. Điều này phần nào dẫn đến tồn kho dầu thương mại tại Mỹ giảm trở lại 2,6 triệu thùng, ngược với dự đoán tăng 2,7 triệu thùng của giới phân tích.
Việc giá dầu thô tăng mạnh cũng hỗ trợ tích cực cho diễn biến của giá đường, bất chấp việc phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp khác đều suy yếu. Giá đường 11 tăng 1,6% lên mức 18,64 cents/pound, còn giá đường trắng tăng 1,2% lên 515,2 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa, Hậu Giang - vùng trồng mía nguyên liệu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận diện tích mía tiếp tục thu hẹp đáng kể do người nông dân lo ngại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Tính đến thời điểm này, mới có 2.400ha được xuống giống mía, đạt 80% kế hoạch.