Vừa mới có những tín hiệu khởi sắc khi các hoạt động sản xuất kinh tế được phục hồi, nhu cầu di chuyển của người dân tăng lên thì nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải lại phải đau đầu khi giá xăng, dầu liên tiếp tăng cao, ghi nhận những kỉ lục mới.
Gần chục năm sống bằng nghề lái xe khách liên tỉnh, chưa bao giờ anh Quỳnh, một tài xế chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh lại thấy khó khăn như khoảng 2 năm trở lại đây. Đã quen với nghề nên giờ bỏ anh không biết làm gì tốt hơn để mưu sinh.
Làm thế nào để tiếp tục bám trụ với nghề đang là bài toán đau đầu với không ít tài xế, nhà xe. Dịch bệnh COVID-19 khiến khách đi giảm hẳn, khi các hoạt động sản xuất kinh tế được dần mở cửa thì xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt các chi phí khác cũng tăng,...anh Quỳnh bộc bạch.
Cùng chung hoàn cảnh như anh Quỳnh, anh Trần Hà, tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên thở dài, có những chuyến xe xuất bến mà trên xe không có đến chục khách. Nhiều người lo ngại vào bến tập trung đông, dễ lây lan dịch bệnh nên bắt xe dù ngoài đường khiến lượng khách càng giảm.
Theo anh Hà, giá xăng dầu tăng liên tục sau Tết Nguyên đán khiến tài xế và nhà xe gặp muôn vàn khó khăn. Trước giá xăng thấp, anh chỉ bơm khoảng vài trăm ngàn đã đầy giờ thì lên tới hơn một triệu. Nhà xe nào may mắn lắm thì hòa vốn còn hầu hết là chạy bù lỗ.
Còn theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), doanh nghiệp vận tải vừa nhận tín hiệu lạc quan từ hồi phục du lịch trong nước thì việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp thêm khốn đốn.
Là đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, ông Bằng cho biết, dù hoạt động du lịch đang từng bước khôi phục nhưng đơn vị mới hoạt động được khoảng 30% lượng phương tiện do tâm lý người dân còn ái ngại sử dụng phương tiện công cộng.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát khẳng định, dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp khó khăn, giá nhiên liệu tăng liên tục càng làm đơn vị vận tải khó khăn hơn khi chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% trong cơ cấu giá cước vận tải. Đây là nỗi lo rất lớn của các nhà xe, doanh nghiệp vận tải.
Trao đổi với PV, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng tăng mạnh hơn 10% chỉ trong vòng 2 tháng đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải, gây áp lực lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh.
Để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản chi phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Có chăng, nhà nước sẽ hỗ trợ bằng việc cắt giảm các thuế, phí để hạ giá thành xăng dầu, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, với mức tăng của giá xăng, các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá cước và điều này sẽ tác động tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp, làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải và hạn chế đi lại của hành khách sau đại dịch COVID-19.
Để hạn chế tác động từ giá xăng, nhiều đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành cũng như sử dụng nhiều công nghệ đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cho biết, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động...
Chiều 1/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Xăng E5 RON 92 tăng 547 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 554 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.834 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp của mặt hàng này