Sáng 4-3, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ công dân kiện UBND tỉnh Khánh Hòa về quyền tiếp cận thông tin liên quan đến dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô của cố doanh nhân Tư Hường
Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô đã được Báo Người Lao Động có nhiều bài phản ánh. Trong đó, tháng 5-2020, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những bất thường liên quan đến dự án Sông Lô để xảy ra khiếu kiện kéo dài của người dân trong gần 20 năm qua. Đến tháng 8-2020, Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án này.
Trong giai đoạn nói trên, ngày 13-4-2020, ông Nguyễn Văn Bình gửi phiếu yêu cầu đến UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf 18 lỗ đã cấp cho Công ty TNHH Hoàn Cầu tại dự án kể trên và giấy thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với sân golf 18 lỗ.
Ngày 16-6-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân ký công văn trả lời theo hướng từ chối cung cấp văn bản nói trên. Lý do được đưa ra là, việc ông Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND tỉnh cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf của Công ty Hoàn Cầu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Hoàn Cầu.
Ngày 24-6-2020, ông Bình gửi đơn kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì vi phạm Luật tiếp cận thông tin và các luật khác. TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử vào ngày 14-12-2021.
Tuy nhiên, trước khi phiên tòa đưa ra xét xử, ngày 10-12-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn thu hồi và hủy văn bản hành chính (ngày 16-6-2020), với lý do chưa phù hợp về thể thức văn bản.
Thiết kế Sân golf 18 lỗ do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư
Ông Bình không đồng ý việc thu hồi văn bản trên vì chỉ "chưa phù hợp về hình thức văn bản" còn nội dung giải quyết việc cung cấp thông tin hoàn toàn không đề cập đến. Do đó, ông Bình tiếp tục có đơn gửi TAND tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên yêu cầu khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh, buộc tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giải quyết cung cấp thông tin cho ông theo phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Sau hai lần thông báo thời gian và gia hạn thời gian giải quyết cung cấp thông tin cho ông Bình, đến ngày 14-1-2022, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có Thông báo số 36/TB- VP- UBND từ chối giải quyết việc cung cấp thông tin. Lý do mà Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra là "Thông tin mà ông Bình yêu cầu cung cấp thông tin nêu trên là thông tin được tạo ra trước ngày 1-7-2018. Do đó căn cứ Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, hiệu lực thi hành ngày 1-7-2018 và Nghị định 13/2018 ngày 23-1-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa thông báo cho ông Bình được biết về việc từ chối cung cấp thông tin nêu trên".
Tại buổi xét xử sơ thẩm hôm nay (ngày 4-3), luật sư Nguyễn Hồng Hà, đại diện nguyên đơn, cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiền hậu bất nhất về căn cứ luật và lý do từ chối cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết vụ án. Chính vì vậy, người khởi kiện không rút yêu cầu khởi kiện và có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đối với Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa ngay trong vụ án.
Ông Nguyễn Văn Bình (phía phải) đứng đơn kiện UBND tỉnh Khánh Hòa vi phạm Luật Tiếp cận thông tin
Luật sư Hà đề nghị HĐXX bổ sung Văn phòng UBND tỉnh và tham gia tố tụng để buộc Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho sân golf 18 lỗ của Công ty TNHH Hoàn Cầu thuộc dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô theo yêu cầu của ông Bình.
HĐXX sau khi xem xét yêu cầu các bên đã quyết định ngừng phiên tòa để đưa Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa vào tham gia tố tụng, thu thập chứng cứ không thể khắc phục tại phiên tòa, thời gian tiếp tục xử vụ án sẽ được thông báo sau.
Dự án với nhiều bức xúc
Báo Người Lao Động đã có nhiều bài phản ánh, dự án Khu Du lịch và giải trí Sông Lô - nay là dự án tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) từ năm 2001 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng. Quyết định này theo tờ trích đo bản đồ địa chính khu đất số 24 đến 30/2001/BĐ-ĐC tỉ lệ 1/2.000 (gọi tắt là 7 tờ bản đồ) do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001.
Tuy nhiên, đa số đất của người dân bị buộc phải thu hồi phục vụ dự án lại nằm ở tờ bản đồ địa chính 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý). Sau đó, tháng 5-2020, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Quốc hội, có văn bản đề nghị cơ quan chức năng làm rõ 12 uẩn khúc liên quan đến dự án này và đề nghị nếu có những sai phạm thì UBND tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ 7 tờ bản đồ trích đo và làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân mắc sai phạm theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Bình, đại diện hàng chục hộ dân khiếu nại việc thu hồi đất thực hiện dự án dự án Tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang vi phạm nhiều quy định pháp luật
Hiện nay, dự án nay đã kéo dài hơn 20 năm, ảnh hưởng khoảng 221 hộ dân. Trong các đơn thư người dân cho biết nhờ có Luật Tiếp cận thông tin, người dân mới được tiếp cận 7 tờ bản đồ trích đo địa chính nên phát hiện các tờ bản đồ này không có hệ tọa độ, bị chỉnh sửa bằng tay với nhiều sai phạm theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Khánh Hòa và các ban ngành có liên quan nhiệm kỳ trước đây lấy đất của dân giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu mà không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân là vi phạm điều 21 Luật Đất đai 1993.
Năm 2015, việc UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 25,6 ha thành "đất ở không hình thành đơn vị ở" là trái với Quyết định 252 của Thủ tướng Chính phủ. Việc cấp đất tái định cư của dự án này cũng không công bằng, áp giá bồi thường không thống nhất. Dự án Sông Lô - Diamond Bay thu hồi đất của người dân nhưng lại bỏ hoang hơn 18 năm mà không xử lý, trả đất cho dân.