Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng cho rằng, quy hoạch TP. Thủ Đức cần có tầm nhìn xa nhưng phải phát huy sự sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu trước mắt.
Phát huy sự sáng tạo
Ngày 5/3, UBND TP. Thủ Đức (TP. HCM) tổ chức toạ đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức”.
"Từ khi được thành lập, TP. Thủ Đức vừa kiện toàn bộ máy, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. TP. Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn. Tôi hy vọng các đại biểu, tổ chức, doanh nghiệp sẽ đóng góp thật nhiều ý tưởng để phát triển quy hoạch TP. Thủ Đức", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức kêu gọi.
Tại buổi toạ đàm, các ý kiến đóng góp chủ yếu về các lĩnh vực mà TP. Thủ Đức đang quan tâm như về giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số; logistic cảng, tài chính, bất động sản…
Bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng, quy hoạch cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải phát huy sự sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu trước mắt.
"Chúng ta rất cần các nhà đầu tư lớn tức là các nhà đầu tư chiến lược nhưng chúng ta phải cẩn thận, đừng coi các nhà đầu tư chiến lược mới quan trọng mà chúng ta phải cùng lúc có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và rất rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hộ cá thể… ai cũng phải có cơ hội thì nền kinh tế mới thực sự phát triển", bà Linh nêu.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, TP. Thủ Đức cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết vấn đề quy hoạch treo và hình thành quỹ đất dự trữ; cần quan tâm đến việc chống ngập nước, bãi đậu xe; nhanh chóng di dời cảng Trường Thọ, hình thành các điểm tiếp cận các khu đất dọc sông để phát triển logistic…
Bên cạnh đó, "thành phố trong lòng thành phố" này cũng phải tính toán lại vấn đề kinh tế ban đêm; kiên định theo hướng phát triển xanh; tận dụng thuận lợi về việc 3 mặt giáp sông để phát huy giá trị sông nước, kết nối giao thông, du lịch đường thuỷ và kết nối con người bằng các khu văn hoá hội tụ cộng đồng trên bến dưới thuyền.
Ngoài ra, TP. Thủ Đức cần tập trung ngay và sớm việc xây dựng Khu thể thao Rạch Chiếc để làm sao SEA Games lần tới hoặc cả ASIAD, TP. HCM có thể đảm nhận phần lớn trong khâu tổ chức bởi “văn hoá, thể thao phải phát triển tương xứng với kinh tế xã hội”…
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
Cũng tại toạ đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) chỉ ra, hiện TP. Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TP. HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như: Vành đai 2, Vành Đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1…
"Muốn phát triển đầu tiên hết là vấn đề hạ tầng. Và trong hạ tầng đô thị là giao thông và đó sẽ là vấn đề quyết định thành công của TP. Thủ Đức. Chỉ cần định hướng phát triển dựa trên quy hoạch và quy hoạch đó tiếp nhận ý kiến phản biện, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp thì không cần phải lo về vấn đề nguồn vốn”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn quan tâm đến việc kết nối giao thông giữa TP. Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Theo ông, cần xem xét phát triển các tuyến giao thông kết nối khu cảng Cát Lái đến Bình Dương, Đồng Nai vì lượng hàng đi qua đây rất lớn.
"Bên cạnh đó, cần phát triển các tuyến đường để giảm tải cho Xa lộ Hà Nội, bởi cứ kẹt xe như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tầm của một thành phố sáng tạo. Cũng cần nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu đậu, chờ cho tàu thuyền trả, lấy hàng hóa, hiện nay neo đậu rất manh mún”, ông Nam nêu ý kiến.
Còn ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Encity cho biết, qua khảo sát 170 doanh nghiệp có 40 các doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của TP. Thủ Đức.
Theo ông, việc quy hoạch TP. Thủ Đức về quỹ đất phải tạo ra cơ hội đầu tư mới, quy hoạch quỹ đất linh hoạt, cho phép nhiều chức năng trong các loại hình đất; gia tăng dân số dọc theo các tuyến giao thông công cộng và các tuyến có hạ tầng tốt.
Trước đó, ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1538/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040.
Mục tiêu của quy hoạch là đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TP. HCM và vùng TP. HCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TP. HCM và quốc gia.
Theo Quyết định của Thủ tướng, quan điểm của quy hoạch là phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch chung TP. HCM và quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.