(NLĐO) - Trong khoảng 2 tuần qua, Việt Nam đã có 14 cán bộ y tế bị mắc Covid-19 trong tổng số 222 người mới mắc, chiếm tỉ lệ 6%.

 

Sáng 5-8, tại Tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19" do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức, ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, cho biết cán bộ y tế mắc Covid-19 trong số những người mới mắc bệnh chiếm tỉ lệ 6%.

"Dù con số này gần tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng thế giới (khoảng 7%) nhưng rất đáng lưu tâm bởi một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không có người phục vụ bệnh nhân. Chính bản thân họ cũng mang nguồn bệnh nên khi phục vụ bệnh nhân làm tăng nguy cơ cho bệnh nhân" - ông Mục nói.

 

Theo ông Mục, các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Việc chính các bác sĩ, các điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, từ đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng điều trị do thiếu nhân lực y tế phục vụ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 trong thời điểm này mới ghi nhận hơn 200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận… gửi các bác sĩ đến hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng. 

"Việt Nam đang thiếu hụt cán bộ y tế, số cán bộ y tế thấp hơn một số nước trong khu vực. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu, vì các bệnh nhân đang rất cần lực lượng này"- Chủ tịch Hội điều dưỡng lo ngại.

Ông Mục cũng đề nghị những người chịu trách nhiệm mua sắm vật tư thiết bị y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế không để các trang thiết bị tái chế, không bảo đảm chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ cán bộ nhân viên y tế, vì vậy các bệnh viện phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà

PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết ngay sau khi có thông tin 14 cán bộ y tế mắc Covid-19, Công đoàn ngành y tế đã hỗ trợ kịp thời về mặt kinh tế và tinh thần cho các cán bộ y tế. Công đoàn ngành y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng tới các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 - nơi đang điều trị 25 ca mắc Covid-19 nặng.

Chia sẻ những thách thức và khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng nhận định ổ dịch Covid-19 lần này bùng phát từ 4 bệnh viện lớn của Đà Nẵng, các bệnh viện phải phong tỏa, nhân viên y tế bị cách ly, hạn chế tiếp xúc. Dù mới có hơn 150 bệnh nhân nhưng Đà Nẵng đã thiếu hụt nhân lực y tế, Bộ Y tế đã phải điều động y bác sĩ từ trung ương về, các tỉnh thành cũng đã cử các đội y tế về Đà Nẵng "tương trợ". 

Do đó, các bệnh viện cần nâng cao cảnh giác, không để virus SARS-CoV-2 len lỏi vào bệnh viện, biến các bệnh viện thành ổ dịch, bị phong tỏa, cách ly, khiến nhân viên y tế trở thành bệnh nhân hoặc không cũng bị "bó chân bó tay", khó tham gia công tác điều trị.

Cả nước chi viện thầy thuốc cho Đà Nẵng

Bộ Y tế chiều 5-8 cho biết Hải Phòng đã cử 33 cán bộ y tế gồm: 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng thuộc 3 chuyên ngành nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm. Bình Định cử 25 cán bộ y tế gồm: 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 1 cử nhân xét nghiệm, 2 chuyên viên xử lý hình ảnh, 2 y sĩ, 1 hộ sinh.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử 2 chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh Covid-19 là bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cử đội phản ứng nhanh thứ 5 gồm điều dưỡng Nguyễn Trần Đức (Khoa Thân nhân tạo) và điều dưỡng Lê Hữu Trang (Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh) lên đường tiếp ứng Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.