Báo Đại biểu Nhân dân đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đăng bài thơ "Hoa hạnh phúc". Ngay sau đó có nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc gần xa vì ý nghĩa nhiều chiều cạnh của bài thơ. Trang thơ Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài phê bình của nữ nhà báo Hương Giang: "Chiều sâu hạnh phúc qua một bài thơ":

Với bài thơ này một lần nữa, Hồng Vinh lại nói hộ tiếng lòng của những người phụ nữ. Đó là cuộc đời của họ dù nhiều thăng trầm, dù nhiều vất vả, có nước mắt, nụ cười, cần cả hoa, cả quà nhưng với họ, điều quan trọng nhất vẫn là những bông hoa hạnh phúc. Nói cách khác, giá trị tinh thần sẽ mãi tỏa hương, để cuộc sống gia đình được bền chặt, tình cảm vợ chồng thăng hoa, có như thế hạnh phúc mới mãi bền lâu.

Mà có được những bông hoa hạnh phúc ấy thì vợ chồng đôi bên và con cái cùng phải sẻ chia, vun đắp. Bằng hình tượng thơ, tác giả giúp người đọc hình dung một gia đình không quá trẻ nhưng cũng chưa già. Một gia đình có 15 năm bên nhau, đủ trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, vượt qua những dấu mốc của rạn nứt, của nhiều va vấp hình sin của những gia đình thông thường để tiếp tục những chặng đường tiếp theo của hôn nhân.

“Đời không phải toàn hoa/ Nhưng lửa tình chẳng nguội”.

Có được như vậy là bởi người chồng luôn thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với người vợ. “Ba tháng ròng đẩy dịch/ Mẹ đi sớm về khuya”. Người phụ nữ là người giữ lửa của hôn nhân, là người nội trợ lo việc bếp núc của gia đình. Trong bài này, thông qua thái độ trân trọng công việc mà vợ đang làm của người chồng, ta thấy tác giả còn ngầm ca ngợi cũng như tôn vinh người phụ nữ hiện đại tần tảo lo việc nước việc nhà. Việc nước của họ được chu toàn cũng là do chồng và con luôn ủng hộ, giúp đỡ phía sau: “Con đảm đang nội trợ/ Chồng giữ ấm tình nhà”.

Vì thế, yêu thương nhau quanh năm nhưng đời có thêm ngày 8/3 để thêm một lần nữa trân trọng, gửi gắm đến người vợ, người mẹ của mình bởi những vất vả, tần tảo mà họ đóng góp cho gia đình, xã hội. Thể hiện tình cảm ấy đâu chỉ những bông hoa, mà còn là tâm nguyện mong mẹ ngơi vất vả. Chính tình cảm ấy mới là hương của bông hoa, của món quà khiến người phụ nữ cảm nhận trọn vẹn tình cảm gia đình, của những người thân yêu, của những người mà vì họ phụ nữ đã không quản ngại vất vả, hi sinh. Nói cách khác, sự hi sinh ấy được đền đáp xứng đáng, khiến người hi sinh, cống hiến được hạnh phúc với việc mình đã làm.

Những chặng đường rong ruổi

Buồn vui cùng sẻ chia

Giữ lửa hồng, tổ ấm

Đời thêm nhiều sắc hoa

Và như vậy, chúng ta mong "phái mạnh" hãy tặng “hoa” phụ nữ quanh năm bằng tình cảm chân thành, sự sẻ chia thiết thực. Đó là cách các anh nuôi trồng, gặt hái hạnh phúc bền lâu, để cuộc đời mỗi gia đình luôn cảm nhận có trăm ngàn sắc hoa rực rỡ, lung linh. Đó là điều tác giả Hồng Vinh đã nắm bắt được tâm lý của chị em phụ nữ để gửi gắm tới các anh.

Đọc xong bài thơ, tôi cũng như nhiều người khác thầm cảm ơn tác giả đã nói hộ nỗi lòng của “giới tóc dài”, đã giúp chúng tôi “giải mã” câu thơ trăn trở bao năm của nữ nhà thơ – chiễn sĩ Dương Hương Ly: “Hạnh phúc là gì? /Đã bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài, mà tìm mãi không ra!”.

Trong chiến tranh, phụ nữ đã có câu trả lời thỏa đáng: hãy gác tình riêng, hòa vào đoàn quân vượt Trường Sơn đi cứu nước; còn ở hậu phương, người phụ nữ “tay cày, tay súng”, “tay búa tay súng”, làm thay công việc của người ra trận.

Trong thời bình, hạnh phúc được tạo dựng từ sự đảm đang lo việc nhà chu toàn, nuôi dưỡng bố, mẹ, chăm sóc, dạy bảo con cái nên người; đồng thời sẵn sàng hi sinh việc nhà để lo việc nước, việc cộng đồng – đó là những nhân tố căn cốt làm cho hạnh phúc ngời sáng, giữ mãi ngọn lửa tình yêu chung thủy với người bạn đời ngày đêm gắn bó, sẻ chia buồn – vui cả trong những thời điểm gặp thử thách khắc nghiệt của cuộc đời!