Sáng 8-3, PV Báo SGGP đã có cuộc ghi nhận tại hiện trường thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tại đây, đơn vị thi công tổ chức rào chắn, đóng kín cửa vào di tích để bảo vệ hạng mục thi công. Phía trong cánh cổng đóng kín, khuôn viên nhà đón tiếp khách phía Đông Nam tháp Bánh Ít nhiều công nhân vẫn đang thi công, máy móc đang hoàn thiện nền móng khu nhà với quy mô xây dựng 712m⊃2;.
Tại khu vực chính tháp, hiện trường thi công vẫn còn ngổn ngang đất, cát, gạch, đá… Hai bên cung bậc đá khu vực gần Tháp Cổng, một vạt rừng cây bụi được san gạt để trồng cỏ. Đáng chú ý, tại chân Tháp Cổng xuất hiện kẻ hở, dấu vết bị phương tiện cơ giới, máy xúc đào xới, san gạt sát chân tháp.
Một số tường rào gạch bê tông đã được phá dở, bao quanh khuôn viên ngổn ngang vật liệu xây dựng… Phía sau tháp Bia, đơn vị thi công hình thành con đường lớn để xe cơ giới lên di chuyển, vận chuyển vật liệu xây dựng. Khu vực này là triền dốc đất yếu, nếu xây dựng xâm hại tác động quá mức thì nguy cơ sẽ bị sạt lở vào mùa mưa, ảnh hưởng di tích.
Nhìn tổng thể, Di tích Tháp Bánh Ít đang được tôn tạo, trùng tu khá quy mô. Tuy nhiên, với cách thi công của nhà thầu khiến cho người dân, du khách vô cùng lo lắng. Bởi, việc trùng tu, tôn tạo cụm di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, có tuổi gần 1.000 năm nếu ồ ạt thi công, huy động máy móc, cơ giới đào bạt, san ủi thì vô cùng phản cảm, thiếu khoa học, nguy cơ xâm hại di tích về lâu dài.
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo Tàng Bình Định khi nghe chúng tôi đề cập thực trạng thi công ở Tháp Bánh Ít thời gian gần đây tỏ ra rất bức xúc. Ông thẳng thắn cho biết, việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực Tháp Bánh Ít là sai hoàn toàn. “Đây đúng hơn là hành vi phá hoại di tích”, ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, trong Luật di sản đã quy định rõ trong di tích những vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, những vùng nào có thể điều chỉnh. Trước đây, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định Tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có 1 vòng bảo vệ nghiêm ngặt, không có phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, để doanh nghiệp, đơn vị thi công huy động máy móc xâm hại tháp như vậy là cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư là Sở VH-TT tỉnh Bình Định.
“Nhà thầu họ chỉ làm theo hợp đồng, ai bảo sao họ làm thế. Còn chủ đầu tư là đơn vị quản lý toàn bộ dự án. Tại sao đối với công trình di tích tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà trong thi công lại không hề có sự tham gia, giám sát của các chuyên gia di sản, chuyên gia khảo cổ học? Mọi chuyện cứ để doanh nghiệp, công nhân họ đưa máy móc, cơ giới san bạt, đào xúc như thế rất vô lý?”, ông Hòa bức xúc.
Di tích Tháp Bánh Ít là công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định. Căn cứ theo các tài liệu di tích, trước đây, quần thể Tháp Bánh Ít có số lượng kiến trúc rất nhiều, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh nằm ở vị trí trung tâm của 3 thành cổ, gồm: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn. Năm 1982, công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. |
Thi công sai hồ sơ thẩm định
Vừa qua, khi có ý kiến phản ánh của người dân, dư luận, Sở Xây dựng Bình Định đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công trình dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Tháp Bánh Ít. Thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư (Sở VH-TT tỉnh Bình Định) và các đơn vị liên quan chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình.
Qua làm việc, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước Tháp Chính, khuôn viên Tháp Chính bằng máy cơ giới (theo dự toán được thẩm tra của Sở Xây dựng phần khối lượng này phải được thực hiện bằng thủ công và máy đầm bằng tay). Buộc các đơn vị phải đưa hết các thiết bị, máy móc ra khỏi khu vực đang thi công tại Tháp Bánh Ít.
Trong quá trình thì công, xây dựng các bên phải thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng di tích. Chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan cần cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công, xây dựng công trình và công tác an toàn lao động trên công trường để cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi…
Công trình trên có tổng vốn đầu tư 25,6 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 1-9-2021, giao Sở VH-TT tỉnh này làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn quản lý dự án là Công ty TNHH tư vấn, thiết kế, xây dựng Thiên Tường; đại diện nhà thầu thi công là liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc, Công ty TNHH Hùng Phát. Đại diện nhà thầu giám sát là liên doanh 3 doanh nghiệp tại Bình Định. Đây là dự án thuộc nhóm C, vốn Ngân sách Nhà nước do tỉnh Bình Định quản lý, bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022. |